Gần hai tháng nay, nhiều người quen hay điện thoại nói với tôi về chuyện con em họ chọn vào học ở trường nghề, thậm chí tự học nghề với tư nhân thay vì vào đại học, cao đẳng dù chúng đã đậu vào những trường này.
Ngại không dám thẳng thừng nói “nên” hay “không nên” như vậy với họ, tôi chỉ nói nhẹ với họ rằng việc chọn lựa như thế đã dần trở nên là xu thế, là cách làm tích cực của lớp trẻ qua nhận định thực tế của chúng và phụ huynh nên coi trọng ý kiến của con em mình.
Chuyện “Bỏ đại học, chọn trường nghề” của em Huỳnh Hoàng Anh – một học sinh giỏi, đậu vào ĐH với điểm số cao – nói lên sự “thức ngộ” của các em rằng tấm bằng ĐH không phải là tất cả; rằng điều kiện cũng như cơ hội thăng tiến của người trẻ còn được xác lập bằng một nghề nghiệp thành thạo, tinh xảo; rằng nghề gì giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội đều là đáng quý, đáng theo học.
Chuyện bỏ ĐH để vào trường nghề của em Huỳnh Hoàng Anh đã góp vào cho lời giải đáp tại sao nhiều sinh viên ra trường tìm không được việc làm, phải làm những việc trái tay nghề, thậm chí làm công nhân, làm lao động phổ thông để kiếm sống!
Cách đây mươi ngày, khi rong ruổi qua những hàng quán quanh các trường ĐH, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, ở đâu tôi cũng nghe các chủ quán than rằng chuyện buôn bán của họ có chiều thua sút vì lượng sinh viên nhập học tại đây năm nay giảm sút khá nhiều.
Buôn bán ế ẩm, các chủ quán này buồn là lẽ đương nhiên. Nhưng chuyện năm nay các trường ĐH, CĐ giảm sút lượng sinh viên nhập học năm đầu không chỉ xảy ra ở Quảng Nam, mà là ở nhiều địa phương trong nước (“Thiếu người học, nhiều ngành phải đóng cửa”).
Và không chỉ những người buôn bán quanh các trường ĐH, CĐ buồn, mà cả đến các trường cũng buồn vì lượng sinh viên giảm sút khiến kế hoạch đào tạo – cũng là kế hoạch tài chính của họ – không đạt.
Nhưng đây lại là tín hiệu vui cho toàn xã hội bởi một số đông trong lớp trẻ đã biết chọn lối đi thích hợp cho mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Không nhắm mắt chạy theo tấm bằng ĐH, CĐ bằng bất cứ giá nào, xong THPT các em đã biết chọn các trường nghề hay theo học ở các xưởng tư nhân để có nghề nghiệp, giúp các em mai này có cuộc sống ổn định như tinh lý ngàn đời “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Bởi các em đã biết lượng sức mình, biết mình nên học ngành nghề gì hợp với sức lực, đam mê của mình, chứ không “đua” cho bằng được vào trường ĐH, CĐ để rồi ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không hợp với sở nguyện, không phát huy được năng lực của mình.
Vấn nạn “thừa thầy thiếu thợ” đã được cảnh báo từ hơn mười năm nay, nhưng vẫn chưa vượt qua được “hội chứng” phải vào ĐH, CĐ bằng mọi giá đã đẩy đến thực trạng dư thừa nguồn nhân lực ĐH, CĐ đến nỗi “cử nhân chăn vịt, thạc sĩ gia sư” làm hao tổn không biết bao nhiêu tiền của của gia đình, xã hội.
Phản ứng tích cực trước hệ quả từ hội chứng này, vài năm nay đã có một số học sinh chỉ nộp đơn thi tốt nghiệp THPT chứ không thi ĐH, CĐ.
Các em đã biết chọn con đường thích hợp cho bước đầu lập thân, lập nghiệp bằng cách xong THPT là học nghề. Một sự khởi đầu, một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển cân bằng, hợp lý.