Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Hãy đào tạo nhân tài trước khi nghĩ đến Công nghiệp 4.0

Được viết bởi webmaster ngày 30/10/2018 lúc 08:09 AM
Để Việt Nam theo kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, bài học của các nước cho thấy mấu chốt là cần có nhân tài. Chúng ta cần tập hợp, tạo mọi điều kiện phát huy nguồn lực trí thức trẻ đã tiếp cận được với tri thức khoa học tiên tiến trên khắp thế giới để nắm bắt những cơ hội của tương lai. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay.

Hãy đào tạo nhân tài trước khi nghĩ đến Công nghiệp 4.0

Để Việt Nam theo kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, bài học của các nước cho thấy mấu chốt là cần có nhân tài. Chúng ta cần tập hợp, tạo mọi điều kiện phát huy nguồn lực trí thức trẻ đã tiếp cận được với tri thức khoa học tiên tiến trên khắp thế giới để nắm bắt những cơ hội của tương lai. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay”.

cong-nghe-4.0.jpg

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo khoa học: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật” do trường Đại học Việt Nhật, Đại học quốc gia Hà Nội, phối hợp với trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Hội Cơ học Việt Nam tổ chức ngày 27/10.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý và các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Vụ Đại học (Bộ Giáo dục Đào tạo), Cục KHCN Quân sự (Bộ Quốc Phòng), ĐHQGHN, ĐH Bách Khoa, Học viện KTQS, ĐH Xây dựng, ĐH giao thông, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Việt Nhật, ĐH KH tự nhiên, ĐH Công nghệ, ĐH Thái nguyên, ĐH Thủy lợi, Viện KHCN Việt Nam, Viện KHCN Xây dựng, Viện KHCN Giao thông, Tổng Công ty CONINCO, VBPO,..….với nhiều giáo sư đầu ngành, các chuyên gia trong các lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ và quản lý giáo dục.

Người học cần được trang bị giáo dục khai phóng, STEM

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Tổ chức của Hội nghị cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm làm sâu sắc hơn những đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như những thách thức, cơ hội đối với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật của Việt Nam, hướng đến cải tiến chương trình đào tạo hiện nay, đề xuất chương trình đào tạo mới cho các trường đại học.

Đồng thời thảo luận để đưa ra các định hướng nghiên cứu, tập hợp lực lượng và xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mới trong các trường đại học, các viện nghiên cứu vế công nghệ - kỹ thuật, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các diễn giả đã trình bày các tham luận không chỉ từ quan điểm của đơn vị đào tạo và nghiên cứu, mà còn xuất phát từ nghiệp vụ thực tế trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, với mong muốn sao cho việc đào tạo và nghiên cứu sẽ đáp ứng được tốt nhất cho nhu cầu thực tiễn của xã hội, tạo bước chuẩn bị đầy đủ để cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đem lại những lợi ích và lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lịch sử cho thấy Mỹ, Anh,... và các nước công nghiệp phát triển đã tận dụng và nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... đã nắm bắt được cơ hội ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế và nắm bắt được cơ hội ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để vươn lên thành “con rồng, con hổ” của châu Á và thế giới trong thế kỷ 21.

Tại hội thảo, các báo cáo cho thấy mô hình đại học trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã thay đổi. Để có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại, các chuyên gia đề xuất sự thay đổi trong triết lý đào tạo: Thời đại mới, các đại học nghiên cứu chuyển mình sang các đại học đổi mới sáng tạo, gắn kết và chuyển đổi mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu với các công nghệ kỹ thuật mới và doanh nghiệp.

Vì vậy, đầu ra, người học phải đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Và ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và CNTT, các trường đại học phải cung cấp và trang bị cho người học theo hướng giáo dục khai phóng và STEM, và từ đó phải cơ cấu lại các chương trình đào tạo.

Ngoài kiến thức nền tảng, kiến thức của ngành và chuyên ngành, ngoại ngữ, CNTT và kỹ năng mềm như hiện nay, các chuyên gia cũng kiến nghị chương trình đào tạo phải đổi mới nhằm trang bị được cho người học tầm nhìn, kỹ năng thu thập, xử lý và kiểm soát thông tin, có tầm nhìn, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ...

Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng còn phải đẩy mạnh đào tạo STEM cho các khối ngành kỹ thuật-công nghệ và tư duy phát triển bền vững cho người học. 

Cần xây dựng nhóm nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu xuất sắc

Hội thảo cũng đề cập đến những công nghệ đào tạo mới, phương pháp dạy và học mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, và cho rằng đào tạo tài năng, chất lượng cao theo xu hướng cá thể hóa đang là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày nay, những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thường có tính liên ngành, xuyên ngành và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa các ngành kỹ thuật công nghệ, và nhờ những ứng dụng của các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh và cơ hội phát triển cho mọi người, mọi cơ quan tổ chức, và những ai không nhanh chóng nắm bắt những cơ hội sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.

Các chuyên gia cũng nhận thấy trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, chúng ta được thích ứng khá nhanh. Tuy nhiên, còn 2 trụ kiềng quan trọng nữa của cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đầu tư để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Hội thảo cũng đã trao đổi thông tin về những thay đổi và đáp ứng khá nhanh của một số trường đại học của Việt Nam, như ĐHQGHN hiện nay bên cạnh CNTT, Điện tử viễn thông, Cơ học Kỹ thuật, Cơ điện tử đã bắt tày vào tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành mới như Robotic, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ nano, Năng lượng mới, An ninh phi truyền thống, Khoa học dữ liệu, Phát triển bền vững, Biến đổi khí hậu,…

Để đáp ứng với yêu cầu nguồn nhân lực, các đại biểu cũng cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam còn phải phát triển mạnh mẽ ngành Tự động hóa và điều khiển; ngoài sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây để truyền tải và lưu trữ thông tin, còn phải nghiên cứu và phát triển về tích hợp hệ thống (System Integration), Công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality); và đương nhiên vấn đề sống còn không thể đầu tư để đào tạo và nghiên cứu là an ninh, an toàn thông tin (Cyber Security) và các vật liệu tiên tiến, vật liệu thông minh để ứng dụng cho các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới.

Bên cạnh đào tạo và thích ứng, chuyển giao công nghệ, để tiếp cận với trình độ của thế giới và làm chủ các công nghệ lõi, các chuyên gia tại hội thảo cũng đề nghị Việt Nam cần có chiến lược để tập hợp lực lương trong và ngoài nước nhằm xây dựng bằng được các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực CN-KT chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là sứ mạng quan trong của nhiều cơ quan, tổ chức, bộ ngành như Bộ KHCN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông,….và các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Phải đào tạo nhân tài

Tại hội thảo, các đại biểu từ ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ, Học viện KTQS, ĐH Nguyễn Tất Thành,…..cũng đã thảo luận về việc phối hợp xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mới liên ngành, liên đơn vị trong lĩnh vực vật liệu thông minh, khoa học dữ liệu, CNTT, trí tuệ nhân tạo,….

Hội thảo cũng thảo luận và đề xuất giải pháp về hệ thống giao thông thông minh ở Việt Nam, cũng như một số xu hướng ngành xây dựng thời đại kỹ thuật số như công nghệ BIM 6D (tính toán thiết kế 3D đồng thời với các tham số như thời gian, chi phí và tối ưu nguồn năng lượng); thiết kế và xây dựng các công trình xanh, tòa nhà xanh,…

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhất trí cho rằng, để tất cả những chiến lược và đổi mới thành công, để Việt Nam theo kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, bài học của các nước cho thấy mấu chốt là cần có nhân tài.

"Chúng ta cần tập hợp, tạo mọi điều kiện phát huy nguồn lực trí thức trẻ đã tiếp cận được với tri thức khoa học tiên tiến trên khắp thế giới để nắm bắt những cơ hội của tương lai. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay" - GS Đức nhấn mạnh.

Hội thảo lần này đánh dấu sự nhận thức và chuyển mình tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp cụ thể trong tổ chức đào tạo và nghiên cứu, phát triển các lĩnh vưc mới để góp phần hiệu quả trong sự nghiệp đưa Việt Nam bứt phá đi lên trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn bài viết: DanTri

Bài viết tương tự

Bài viết cùng chuyên mục

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT