Nông nổi, hời hợt
(Thạch Lam, Theo dòng, năm 1941)
Những phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung là nông nổi, hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt.
Chúng ta có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và rất bạc nhược. Những tính tình phong phú, dồi dào hay mãnh liệt chúng ta ít có. Chẳng dám yêu cái gì tha thiết và cũng chẳng dám ghét cay đắng, lòng yêu ghét của chúng ta nhạt nhẽo lắm. Chúng ta đổi lòng tín ngưỡng sâu xa ra một tín ngưỡng thiển cận và nông nổi, giữ cái vươn cao về đạo giáo của tâm hồn xuống mực thước sự săn sóc nhỏ bé về ấm no.
Đối với những tư tưởng lớn chỉ hiểu sơ sài
(Nguyễn An Ninh, Lý tưởng của thanh niên An nam, năm 1924)
Thu nhặt tất cả những gì về văn chương nghệ thuật đã được làm ra trên đất nước ta, dễ thấy nguồn tài sản tổ tiên ta để lại là mỏng manh so với các dân tộc khác. Không thể từ cái di sản đó tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến đấu giành một chỗ đứng trên thế giới.
Những tác phẩm đã đóng góp vào việc nâng cao trình độ học thức của người Trung Quốc thật là nhiều, nhưng với các nhà của ta, hình như các ông ấy chỉ biết mỗi một mình Khổng Tử.
Đạo Khổng dưới dạng một món hàng xuất khẩu mang sang nước An Nam đã gây tai hại: Các nhà Nho ta muốn Khổng hóa tất cả những gì nằm trong tầm mắt của họ, giải thích mọi thứ theo cách hiểu hẹp hòi của họ.
Hiểu biết của ta về các vấn đề Trung Hoa, về nền văn hóa Trung hoa còn rất xa yêu cầu hiểu biết thực sự (những người đã hiểu thấu đáo văn hóa Trung Hoa có đủ trình độ để tiếp thu mọi luồng tư tưởng của nhân loại). Cũng như, cho đến nay, chưa có một người Việt Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hóa Pháp.
Tín ngưỡng xen lẫn hoài nghi
(Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam, năm 1944)
Tín ngưỡng của người Việt không có tính cách đơn thuần. Họ nhận thức rằng trong vũ trụ có những lực lượng có thể nguy hại tới họ, nên họ tìm cách ngăn ngừa. Không rõ các lực lượng âm thầm tác động ra sao nên họ tế lễ để cầu yên. Đối với họ, ông thánh nào cũng thiêng, ông thần nào cũng mạnh, Phật tổ Lão tổ đều là bậc thánh thần cả, bởi vậy họ phải kiêng sợ mà lễ bái để cầu lợi lộc. Thực ra, trong trí họ vẫn lởn vởn ít nhiều ngoài nghi. Đem chứng nghiệm với cuộc đời thực, họ thấy uy quyền của Thần Phật có mà cũng lại không. Thái độ lưng chừng và thiết thực làm họ dung hòa được các tôn giáo. Họ không có một tín ngưỡng vững chắc nào cả.