Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Thói hư tật xấu của người Việt: Ai mạnh thì theo; Biếng nhác, vô cảm

Được viết bởi webmaster ngày 15/04/2015 lúc 01:51 PM
Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi.

Thói hư tật xấu của người Việt: Ai mạnh thì theo; Biếng nhác, vô cảm

Ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ
(Phan Khôi, Luận về khí tiết, báo Hữu Thanh, năm 1923)

Sĩ phong(1) nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê Trung Hưng về sau. Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi. Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

Một người như thế thì trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hạt giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới(2) lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ(3) thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ, ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản.

(1) tương tự như một thứ khí hậu trên phương diện tinh thần.

(2) theo Tự vị An Nam Latin (1772 - 1773) đợ có một nghĩa cổ "trao của tin cho ai”, ở đây đợ lên tạm hiểu là nhẫn nhục chấp nhận.

(3) tự ý thức về cá nhân mình.

Biếng nhác, vô cảm, lẩn tránh
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)

Hiện tượng quá đông dân và thường xuyên thiếu việc làm khiến cho nhiều người có tâm lý sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút tiền bạc hoặc có đủ ruộng chỉ còn thích ăn không ngồi rồi.

Xét về phương diện tinh thần, xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm bởi nền giáo dục cổ lỗ và chưa bao giờ có phương pháp. Thành ra có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Sau khi chất đầy trí nhớ các loại kinh sách, nhà nho xưa kia chẳng còn nghĩ đến chuyện trau dồi trí tuệ nữa. Họ thường già trước tuổi. Hoặc là họ nhẫn nhục chịu đựng cốt không để ai đó ganh ghét mà kiếm chuyện lại thôi. Hoặc là họ sa vào thói chơi ngông đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt cái năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học.

Có những nhà quan sát nước ngoài nhận xét người Việt hay trộm cắp và dối trá. Trong một thời gian dài, người dân nước này chỉ được nhận một nền cai trị kém cỏi, trong đó thấm sâu chính sách ngu dân. Cá nhân con người luôn luôn bị săn đuổi, họ buộc phải bao quanh mình một tấm màn bí mật. Làng xã cũng vậy, trong quan hệ với chính quyền trung ương họ cố giữ lấy một thái độ nếu không độc lập thì cũng ương bướng bất phục.

Nguồn bài viết: Thể thao & văn hóa

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT