Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Hạn chế xe máy: Đà Nẵng có thể đi đầu

Được viết bởi webmaster ngày 28/03/2014 lúc 01:50 PM
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, chủ trương thí điểm hạn chế xe máy không hề viển vông mà thành phố hoàn toàn có thể đi đầu trong việc thực hiện.

Hạn chế xe máy: Đà Nẵng có thể đi đầu

Chính phủ có chủ trương thí điểm áp dụng hạn chế xe máy và xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.

PV VTC News đã phỏng vấn đối với ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng về vấn đề này.

y-thuc-giao-thong.jpg
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Đà Nẵng đủ năng lực để áp dụng hạn chế xe máy và sử dụng xe đạp công cộng 
- Theo thông tin, Đà Nẵng là 1 trong 5 địa phương sẽ triển khai thí điểm hạn chế xe máy và xe đạp công cộng. Vậy Đà Nẵng đã nhận được văn bản chỉ đạo, hay chủ trương gì liên quan đến nội dung này chưa, thưa ông?
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa nhận được văn bản chỉ đạo triển khai thí điểm hạn chế xe máy và áp dụng xe đạp công cộng của cấp trên và chúng tôi chỉ mới biết thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, theo chủ trương thì trước sau gì Đà Nẵng cũng sẽ triển khai thực hiện, nên sau khi có chỉ đạo chính thức, ngành Sở GTVT Đà Nẵng sẽ tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện chủ trương trên.
- Đà Nẵng là địa phương được đánh giá có hệ thống giao thông tốt nhất cả nước, nhưng lại không đi tiên phong mà là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, ông có nghĩ rằng tại sao Đà Nẵng không đi đầu trong việc thực hiện như đã từng áp dụng với các chủ trương khác?
Vấn đề này rất khó nói. Tôi nghĩ nên chờ có chủ trương cụ thể mới có căn cứ để triển khai. Nhưng chúng tôi rất quan tâm đến chủ trương này. Mình nên học hỏi các địa phương khác có kinh nghiệm và không nên vội vàng, nhất là những chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các tầng lớp nhân dân.
Còn vấn đề hạ tầng giao thông của Đà Nẵng thì khá ổn. Đó cũng là kết quả nỗ lực của cả thành phố, từ cấp trên đến xuống tận các tổ dân phố mới được như ngày hôm nay. Nhưng đó không phải vấn đề quyết định mà then chốt vẫn là ý thức người dân. Cái này Đà Nẵng đã làm công tác tuyên truyền khá tốt. Chủ trương quy định về mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy là một điển hình.
- Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương khá viển vông, thiếu tính khả thi, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi nghĩ tại sao không phải là Đà Nẵng và tôi không hề thấy sự bất hợp lý hay viển vông của chủ trương này. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị hiện đại, nơi xe máy và phương tiện cá nhân được hạn chế tối đa, thay vào đó là phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường. Và muốn hướng đến điều đó, chúng ta cần những bước tiến đầu tiên. Chủ trương là một bước đầu tiên cho định hướng này.
Nếu đi các nước, chúng ta sẽ thấy không hề có xe máy mà giao thông vẫn rất tốt. Nhưng muốn như họ chúng ta phải đồng bộ từ đầu tư hạ tầng giao thông công cộng cho đến nâng cao ý thức người dân, hướng dẫn người dân đến với chủ trương này.
- Ông có thể nói rõ hơn quan điểm của mình về vấn đề này?
Tôi rất ủng hộ chủ trương này vì nó không chỉ kéo theo sự thay đổi của cả hệ thống giao thông thân thiện với môi trường mà còn hạn chế được tình trạng ách tắc giao thông và nhất là mang lại hình ảnh thông thoáng cho đô thị.
Tuy nhiên, để thực hiện được, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thói quen sử dụng xe máy của người dân cùng với sự phát triển rất mạnh của phương tiện này trong thời gian qua đã ăn sâu vào đời sống, sinh hoạt của người dân nên để thay đổi cần có chủ trương, chính sách mang tính lâu dài.
Cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích thay đổi cho đến có biện pháp xử lý kiên quyết như thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vậy.
Một vấn đề nữa là cần phân loại đối tượng, trong đó có các đối tượng sử dụng xe máy làm phương tiện, kế sinh nhai cũng phải được tính đến. Và giải pháp đối với đối tượng này cũng phải được tính toán nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân.
Thêm nữa, việc đầu tư, quy hoạch các điểm trông giữ xe… cũng phải được tính đến sao cho thuận tiện nhất đối với người dân và giao thông đô thị chứ không phải hô cấm là cấm. Nếu thực hiện toàn diện như vậy, tôi tin sẽ thành công.

Ý thức tuân thủ luật pháp cao là một trong những thuận lợi để Đà Nẵng triển khai hạn chế xe máy và áp dụng xe đạp công cộng 
- Nếu triển khai hạn chế xe máy và áp dụng xe đạp công cộng ở Đà Nẵng, ông có nghĩ việc làm này sẽ tạo dựng hình ảnh đẹp đối với du lịch thành phố?
Đà Nẵng đã có xe ô tô điện phục phụ du khách thì việc hạn chế xe máy và đưa xe đạp vào hoạt động không chỉ tạo ra hình ảnh đẹp cho Đà Nẵng mà còn là một phần của định hướng phát triển thành phố môi trường trong tương lai mà thành phố đã cam kết.
Không biết chừng, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố xe đạp ngoài các tên gọi như thành phố đáng sống, thành phố thân thiện… Nói trước thì hơi sớm, nhưng nếu thuận lợi, Đà Nẵng sẽ áp dụng thí điểm tại một số phường, quận rồi nhân rộng ra toàn thành phố tạo nên một điểm nhấn mới cho đô thị.
Và nếu chúng ta làm tốt, xe đạp công cộng không chỉ để phục vụ người dân thành phố mà còn phục vụ nhu cầu đi lại của du khách khi lượng người đến với Đà Nẵng ngày càng tăng trong thời gian qua.

Nguồn bài viết: VTC

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT