Cấp bậc tác giả:

Tin Tức Công Nghệ

Google AdSense bị “tố” ăn chặn tiền của publisher

Được viết bởi webmaster ngày 04/05/2014 lúc 07:20 PM
Trước thông tin AdSense chặn các nhà xuất bản (publisher) ngay trước kỳ thanh toán từ người tự nhận là “cựu nhân viên”, Google đã bác bỏ và xem đây là lời hư cấu hoàn toàn.

Google AdSense bị “tố” ăn chặn tiền của publisher

Một người tự nhận là cựu nhân viên Google đăng tải bài viết tố cáo bộ phận quảng cáo AdSense của Google đã đóng tài khoản các nhà xuất bản (publisher, chủ website treo quảng cáo) trước kỳ thanh toán, để có thể giữ lại doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên, Google bác bỏ lời tố cáo này và dựa theo một vài xác minh, những gì “cựu nhân viên Google” viết dường như hoàn toàn bịa đặt.
Trả lời TechCrunch về thông tin này, Google gọi “mô tả về quy trình thực thi chính sách AdSense là hư cấu hoàn toàn”. Các chương trình “đặt tên mã theo màu sắc” và “quản lý chất lượng đặc biệt” không tồn tại. Google khẳng định khi phát hiện vi phạm chính sách dịch vụ cũng như Điều khoản và điều kiện AdSense, hãng sẽ hành động nhanh chóng dẫn đến một số trường hợp tài khoản của publisher bị vô hiệu hóa và hoàn tiền lại cho nhà quảng cáo (advertiser).
Lời tố cáo của “cựu nhân viên Google” không kèm theo chứng cứ có sức nặng nào song vẫn có thể phát động cuộc điều tra về quy trình xử lý của AdSense hoặc ít nhất gây tổn hại về uy tín của Google.
Những cáo buộc về Google AdSense
Theo lời người này, Google gặp phải một số rắc rối tài chính trong năm 2009 và quyết định phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu mà trong đó, do phải thanh toán quá nhiều cho nhà xuất bản, hãng muốn tìm cách cướp đi của họ. Để làm điều này, Google áp dụng sáng kiến “kiểm soát chất lượng” mới nhằm vào các nhà xuất bản kiếm được hơn 5.000 USD/tháng từ AdSense, cuộc “thanh trừng” bắt đầu từ tháng 3/2009.
Cựu nhân viên này cho hay được yêu cầu vô hiệu hóa mọi tài khoản gần đến kỳ thanh toán để các khoản tiền nợ nhà xuất bản được trả về Google AdSense trong khi vẫn có quảng cáo hiển thị cho người dùng. Theo cách này, Google vừa được nhà quảng cáo trả tiền, vừa chạy quảng cáo trên tài khoản của publisher, song lại đóng tài khoản của họ ngay trước thời điểm họ được nhận tiền vì treo quảng cáo trên trang của mình, còn Google được giữ lại tiền.
Tiếp theo, Google muốn tự động hóa quy trình nên đã thiết lập hệ thống “quản lý chất lượng AdSense theo mã màu”, xác định các nhà xuất bản trong diện cần chặn, bảo vệ những doanh nghiệp lớn hay bất kỳ ai có thể tạo hiệu ứng tiêu cực cho Google.
Cuối cùng, người này tiết lộ Google nhận thức được về “Click Bombing”, hành động click điên cuồng vào quảng cáo của đối thủ để hệ thống chống gian lận của Google để ý và chặn, song không làm gì để khắc phục.

googadsense.jpg
Google trả khoảng 9 tỷ USD cho publisher trong năm 2013.

Chưa đủ sức nặng
Rõ ràng, những người muốn làm hại Google có động cơ để đăng tải những cáo buộc này. Tuy nhiên, theo phân tích của TechCrunch, có thể thấy nhiều điểm mờ ám ở đây.
Đầu tiên chính là ngôn ngữ mà “cựu nhân viên Google” sử dụng. Tác giả đã dùng từ “bộ phận AdSense” (Adsense division) thay vì cái tên nội bộ trong Google là “Online Sales and Operations”. Anh ta tự nhận “là một thành viên trong đội” (being a team player) song tại Google, những người này sẽ được gọi là "being Googley"). Những click sai phạm được Google gọi là “click spam” thay vì “invalid clicks” trong khi “click bombing” không phải là từ được dùng trong nội bộ Google.
Về cái gọi là “invalid clicks”, hệ thống nhận diện của Google đủ tinh vi để hiểu click này đến từ bản thân publisher (dẫn đến hệ quả tài khoản publisher bị chặn) hay từ người dùng Internet thông thường. Không chỉ thế, nó còn xác định được đâu là click từ một bên thứ ba độc hại và loại bỏ chúng khỏi tất cả publisher của Google.
Bên cạnh đó, chính sách AdSense của Google ngăn cản việc Google tính tiền một nhà quảng cáo song lại quỵt tiền của publisher. Chính sách của Google giải thích nếu một publisher bị tạm dừng hoạt động vì vi phạm chính sách, “thanh toán trong 60 ngày trước khi vô hiệu hóa sẽ bị thu lại và trả về cho các nhà quảng cáo bị ảnh hưởng”.
Trong bài tố cáo, nhân viên Google sử dụng AdSense trên website của mình “tự động được đặt vào nhóm Xanh”, đồng nghĩa với nhóm VIP và “bất khả xâm phạm”. Song, trên thực tế, nhân viên mở tài khoản AdSense phải được sự cho phép từ lãnh đạo và cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Cuối cùng, điểm vô lý lớn nhất chính là chiến lược quỵt tiền trong ngắn hạn của Google chắc chắn làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu dài hạn của công ty. Tại sao Google có thể đánh đổi tương lai của họ chỉ để cướp đi chút tiền nhỏ của publisher? Google cộng tác với hơn 2 triệu publisher và trả cho họ khoảng 9 tỷ USD trong năm 2013. Phản bội họ chỉ để thu về “con săn sắt” là điều phi lý.
Với những điểm chưa rõ ràng ở trên, thật khó tin được người tố cáo này là cựu nhân viên thực sự của Google và toàn bộ kế hoạch đưa ra rối như mớ bòng bong. Nếu quen với các từ ngữ mà nhân viên Google sử dụng hay có cái nhìn bao quát về kinh tế, có thể xem đây chỉ là lời của một publisher bất mãn do bị Google ngừng hợp đồng.

Nguồn bài viết: TechCrunch

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT