Cuộc sống luôn thay đổi, luôn sinh sôi nảy nở bất chấp mọi cản trở. Trước sự thay đổi đó, cái được thích nghi và tồn tại lâu dài không phải là những điều đối phó mà là sự nắm bắt được nguyên lý vận hành của lịch sử và thời đại. Để nắm được nguyên lý ấy thì điểm tham chiếu quan trọng là quá khứ của dân tộc.
Tìm về với lịch sử dân tộc không phải là nhắc lại, điểm qua và hệ thống các sự kiện theo kiểu biên niên mà phải tìm cho ra cái tiềm ẩn bên dưới những sự kiện, không chỉ những thành công mà cả thất bại. Thành công hay thất bại đều là những kết quả của mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ, nói cách khác, đó những bài học về việc huy động sức mạnh của dân tộc và trí tuệ của toàn dân.
Lịch sử thăng trầm qua các thời đại của dân tộc cho thấy, lúc nào nhà cầm quyền hiểu được lòng dân, nói cho dân hiểu để nhận thức rằng vận mệnh của dân tộc chính là vận mệnh của mình, của gia đình mình, dòng họ mình; dân tin nhà cầm quyền, tin ở khả năng và cách ứng xử, tin ở chính sách cởi mở và khoan dung; tin rằng mọi người Việt là anh em mình … thì lúc đó sẽ huy động được mọi nguồn lực và trí tuệ trong nhân dân. Còn ngược lại, khi người dân không có niềm tin, mất niềm tin ở người đại diện chính quyền, ý kiến và quyền lợi của người dân không được đếm xỉa tới, thì lúc đó xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ biến động, mất ổn định. Niềm tin là yếu tố căn bản trong các giá trị. Phật giáo gọi nó là nguồn gốc của mọi phẩm tính.
Trong thế kỷ XX, lịch sử ghi nhớ đến hai cuộc huy động sức mạnh và trí tuệ của dân tộc, của toàn dân vĩ đại, đó là sự vận động trong các cuộc kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong hai cuộc vận động lớn ấy, không một lực lượng yêu nước nào đứng ngoài, tất cả cùng một niềm tin, tin ở ngọn cờ chính nghĩa và cũng là một khao khát mãnh liệt của mỗi người Việt Nam: giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Niềm tin đó đã đưa đến đại đoàn kết và những thành công vĩ đại.
Điều đó cần được nhắc lại, không phải chỉ để tự hào và kiêu hãnh, bởi vinh quang dẫu huy hoàng như thế nào cũng chỉ hiện hữu trong giây lát, con đường đến đỉnh cao ấy thì lắm chông gai, ghập ghềnh, gian nan. Nhắc lại điều đó để nói đến nguyên lý xưa như trái đất, bài học vỡ lòng của lịch sử: lòng dân, niềm tin của nhân dân.
Đất nước đang đi vào một thời đại mới đầy những thách thức và cạm bẫy, xã hội lại đang ngổn ngang với nhiều vấn đề về văn hóa, suy thoái đạo đức, giá trị tâm linh một thời bị xem nhẹ nay có những biểu hiện biến tướng tiêu cực. Điều này là do đâu? Cũng từ niềm tin mà ra.
Niềm tin không phải tự nhiên có mà xuất phát từ nhận thức. Khi có được niềm tin, thì chính nó sẽ dẫn dắt hành động. Hành động làm hại bản thân, gia đình và xã hội của một người, là dân thường hay quan chức, chứng tỏ nhận thức của người đó có vấn đề. Anh ta đã không tin sâu sắc vào bản thân mình. Anh ta không tin vào quy luật gieo nhân nào gặt quả đó vốn có lâu đời trong gia tài văn hóa truyền thống. Anh ta không tin rằng hạnh phúc, sự thanh thản mà mỗi người mưu cầu xuất phát từ thái độ sống, từ nội tâm chứ không phải từ sự sung túc của vật chất. Anh ta không tin đời sống là luân hồi tái sinh mà chỉ có một đời này thôi nên mặc sức sống hưởng thụ một cách thực dụng và ích kỷ…
Thiết tưởng cần nhắc đến một thiên tài chính trị 700 năm trước: vua Trần Nhân Tông. Sau những chiến công lẫy lừng đánh đuổi quân xâm lược Nguyên, Mông, vua đã nhường ngôi cho người kế thừa khi tuổi chưa vừa 50 tuổi, trở thành người cố vấn, giữa nhiều vấn đề của đất nước sau thời chiến cần giải quyết, thì ổn định niềm tin để xây dựng nền tảng văn hóa bền vững là điều cần thực hiện ngay. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đích thân đi vào các làng xã để khuyến dụ dân chúng phá bỏ các dâm từ, thực hành theo năm giới, mười thiện(1). Trần Nhân Tông đã thấy được sự cấp thiết cần phải xây dựng những chuẩn giá trị căn bản trong đời sống văn hóa, đạo đức cho toàn dân để có được sự ổn đinh lâu dài.
Trong kháng chiến, niềm tin của toàn dân đặt vào một mục tiêu duy nhất: chiến thắng ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc. Thời bình, muốn xã hội ổn định, niềm tin phải được định hướng căn bản vào các giá trị đạo đức truyền thống, hướng thiện. Niềm tin ấy cần được củng cố bằng sự minh định khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc là gì, hơn bao giờ hết, điều đó cần được nói rõ, cụ thể, tránh cách nói chung chung dẫn đến nhận thức mơ hồ, mông lung. Nhận thức lệch lạc, không đúng, không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến hành động nguy hại. Mà nguy hại trong văn hóa sẽ ảnh hưởng lâu dài, mất nhiều công sức và của cải để khắc phục, điều chỉnh, trong đó điều nguy hại nhất là tác nhân gây nên hội chứng thờ ơ thậm chí lãnh cảm ở người dân. Và đó là nguyên nhân sâu xa gây nên sự mất ổn định trong đời sống xã hội, phá vỡ mối đoàn kết dân tộc.
Giữa cuộc sống luôn thay đổi, luôn sinh sôi nảy nở, thì niềm tin ở mỗi cá nhân trong giá trị chung, giá trị căn bản của nền văn hóa dân tộc được đúc kết từ mấy ngàn năm qua sẽ làm nên mối dây liên thông giữa các cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng, giữa hiện tại với truyền thống, góp phần điều hòa giữa mới và cũ, tạo nên sự ổn định bền vững cho xã hội.
(1)Năm giới: Không giết hại vì tôn trọng mạng sống của mình và người khác; không trộm cắp vì tôn trọng của cải của người khác; không tà dâm vì tôn trọng tiết hạnh và hạnh phúc của chính mình và người khác; không nói dối vì tôn trọng sự thật; không sử dụng rượu (cùng các chất gây nghiện ngập) vì giữ gìn sự sáng suốt của đầu óc.
- Mười thiện: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói lời không đúng sự thật, không nói lời xấu ác, không nói lời đâm thọc hai chiều, không nói lời gây chia rẻ căm thù, không tham lam, không sân hận và không si mê.