Hầu hết dân lập trình viên (LTV) đều biết đến cụm từ “code dạo”. Một nghề tưởng đâu nhàn hạ, thu nhập cao… nhưng thực ra cũng “xương xẩu” ghê gớm!
Làm thêm - làm ngoài giờ
Một số LTV ở các công ty phần mềm thường nhận thêm việc để làm tại cơ quan hoặc về nhà ngồi code. Những đầu việc này xuất phát từ các dự án xây dựng hệ thống thông tin cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Các dự án này thường tạo việc làm cho các coder trong khoảng 3-6 tháng/dự án.
Một giám đốc công ty cổ phần tin học chuyên làm dự án tin học hóa cho biết, các công ty triển khai các dự án tin học hóa, xây dựng website cho các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước thường nhờ đến đội ngũ “code dạo”. Công việc sẽ được chia ra cho nhiều LTV và các coder này có thể ngồi nhà làm việc.
Ông Nguyễn Châu An, thành viên nhóm Mã nguồn mở SaigonLug cho biết, dân “code dạo” hiện nay chủ yếu nhận việc làm thêm hoặc làm ngoài giờ. Họ có thể ngồi code tại nhà hoặc văn phòng làm việc. Một số công ty tin học thường kêu gọi khá đông LTV làm việc part-time (bán thời gian) cho các dự án.
Một số công ty phần mềm nước ngoài cũng tìm cách thu hút dân “code dạo” với các hợp đồng code 35 - 40 giờ/tuần, thu nhập khoảng 500 USD (gần 10 triệu đồng)/tháng… Họ chỉ nhận các coder có tối thiểu 1-2 năm kinh nghiệm lập trình; một số dự án tầm trung khi tuyển người còn có thêm giai đoạn thử việc (nhận tiền ít hơn).
Phiên chợ coder
Trên một số trang web chuyên sâu về lập trình/thiết kế web đều có các mẫu quảng cáo tìm coder. Có thể kể đến một số trang web phổ biến đối với dân trong nghề CNTT như: www.ddth.com, joomlaviet.org, freecode.vn… Có một số nhóm trên các diễn đàn cũng đứng ra tuyển dụng nhân sự, sau đó nhận dự án về làm.
Một số trang web nước ngoài dành cho Freelancer (người hành nghề tự do) cũng có các mẫu quảng cáo cần tìm coder. Chi phí làm các dự án nhỏ cũng vào khoảng 40 – 50 USD (gần 800.000 - 1 triệu đồng) và coder chỉ cần làm việc chưa đến 1 tuần lễ. Có thể kể ra một số trang web giới thiệu việc làm cho dân “code dạo” khá nổi tiếng như Elance, Rentacoder (nay đổi tên thành vWorker.com), Odesk…
Một số LTV du học ở nước ngoài, sau khi nhận được dự án có thể chia lại cho bạn bè, thành viên trong diễn đàn để cùng nhau làm chung. Các dự án này thường kêu gọi nguồn nhân lực trên các diễn đàn chuyên ngành của dân lập trình như freecode.vn, phpvn.org…
Craigslist, một trang web rao vặt nổi tiếng ở Mỹ cũng có nhiều đơn đặt hàng “code dạo” mang tính quốc tế. Các coder Việt Nam cũng rủ nhau lên trang web này tìm việc. Họ cũng có thể tạo tài khoản người dùng, lập hồ sơ giới thiệu về bản thân trên các trang web dành cho Freelancer để chào mời khách hàng.
Lắm đường - nhiều mối
Dân LTV hành nghề tự do cũng có những chiêu thức “câu khách” như tạo các trang web có tên “rất kêu”, mời chào trên các diễn đàn. Thậm chí, tạo ra một cẩm nang hành nghề “code dạo” để dân trong nghề vào tham khảo.
Chuyện “mượn tạm” mã nguồn (source) từ một số trang web chuyển hóa thành sản phẩm của mình cũng không phải là ngoại lệ đối với một số tay “code dạo”. Các trang web của một số coder “già đời” còn có thêm chiêu thức đẩy thứ hạng trên bảng xếp hạng Alexa Ranking, tạo từ khoá dễ tìm kiếm trên Google…
Dân lập trình Joomla và WordPress - công cụ mã nguồn mở có vẻ như đang “ăn khách” so với những coder chuyên dùng công cụ chính hãng. Một số trang web được xây dựng bằng mã nguồn mở theo yêu cầu của khách hàng. Ngay cả các LTV đào tạo “chính ngạch” bằng các ngôn ngữ SQL, ASP.Net, PHP… dần dà cũng chuyển sang làm Joomla, WordPress để có hợp đồng “code dạo”!
Làm nghề “code dạo” lắm khi cũng nhức đầu khi khách hàng kiện cáo trên các trang web dành cho Freelancer. Để tránh mất tiền oan, các coder phải dùng hết khả năng về ngoại ngữ để cãi nhau với khách hàng. Để tránh kiện cáo, khi nhận các dự án từ nước ngoài, coder phải đảm bảo thời gian hoàn thành dự án.
Có dễ làm giàu?
Vào thời điểm 2006 – 2007, khi đó các coder thường nhận làm các dự án riêng lẻ tìm được trên mạng. Phí code dạo lúc đó vẫn còn khá cao, trung bình 1 coder chịu làm việc có thể kiếm được hơn 2 triệu đồng/tháng. Các coder có thể tìm được các hợp đồng trả phí từ 50 đến 500 USD (800.000 đến 8 triệu đồng ở thời điểm 1 USD = 16.000 đồng).
Đối với các hợp đồng “cực nhỏ”, làm nhanh trong vài ngày thì phí code rất thấp, khoảng 5-10 USD (gần 100.000 - 200.000 đồng hiện nay). Đây cũng là những dự án phải bid (đấu thầu) khá quyết liệt với các coder đến từ các nước khác. Có lúc, để giành được dự án hoặc giữ chân khách hàng, các coder phải hạ xuống chút đỉnh, khoảng vài USD.
Hiện nay, các coder thường làm việc theo nhóm và có cách thức tiếp thị cũng như bán hàng khá chuyên nghiệp. Các nhóm này khai thác cả thị trường nội địa (thiết kế web, hỗ trợ kỹ thuật…) lẫn quốc tế với nhiều dự án sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau. Kể cả làm luôn công việc kiểm tra các trang web thương mại có đạt tiêu chuẩn không, mắc những lỗi gì…
Thông thường, đại diện nhóm hoặc người quản lý dự án sẽ đứng ra nhận việc, thương lượng về chi phí, thời gian thực hiện. Sau đó, quản lý dự án sẽ chia việc cho từng thành viên trong dự án, theo dõi tiến độ thực hiện. Khi bàn giao dự án, số tiền thu được sẽ phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ ấn định trước.
Khách hàng thuê coder sẽ trả chi phí làm dự án thông qua trung gian các trang web tuyển dụng Freelancer hoặc gởi tiền thông qua tài khoản ngân hàng (nếu giao dịch trực tiếp). Nếu thông qua trung gian, các coder phải trả phí giao dịch thành công (tùy giá trị dự án) sau khi khách hàng (buyer) thanh toán hợp đồng.