Tin từ UBND TP Đà Nẵng cho hay, ngày 16/10, tại buổi họp nghe báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố tháng 10/2014, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thống nhất làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đề xuất Chính phủ huỷ bỏ quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng nhằm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo suốt 17 năm qua của dự án này.
Theo Bí thư Thành uỷ Trần Thọ, đây là dự án “trầm kha”, gần như không thấy được lối ra sau 17 năm quy hoạch treo.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành Trung ương về vấn đề này nhưng vẫn chưa có kết luận cụ thể về tiến độ triển khai dự án. Trong khi đó, người dân trong dự án không thể sửa chữa nhà cửa hay mua bán, sang nhượng do vướng quy hoạch.
Bên cạnh đó, do dự án thuộc cả tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nên khó khăn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng nhà cửa trái phép... Do vậy, Bí thư đề nghị lãnh đạo thành phố sắp xếp thời gian làm việc với Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam, thống nhất đề nghị huỷ quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng.
Ý tưởng xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng được các nhà quy hoạch đưa ra vào năm 1994, với vị trí sau đó được xác định nằm vắt qua xã Hoà Quý cũ (nay là phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Ngày 9/12/1997, dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt tiền khả thi với diện tích 300ha, trong đó, Đà Nẵng có 110 ha, Quảng Nam có 190 ha; quy mô đào tạo 30.000 sinh viên; tổng kinh phí đầu tư dự kiến ở thời điểm đó là 1.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù chấp nhận quy hoạch Làng ĐN Đà Nẵng nhưng Chính phủ yêu cầu triển khai theo phương án từng bước, từ quy hoạch, giải toả đền bù đến xây dựng cơ sở hạ tầng, ít nhất trong 10 – 15 năm mới cơ bản hoàn thành.
Mãi đến năm 1999, Làng ĐH Đà Nẵng mới tiếp tục được Chính phủ phê duyệt dự án khả thi. Thế nhưng chỉ hai năm sau, lại có sự điều chỉnh quy hoạch. Như vậy là, tính từ lúc khởi động cho đến bây giờ, dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đã “treo” gần 17 năm, xuyên từ thế kỷ XX qua thế kỷ XXI!
Hiện tại, ngoài Trường CĐ Công nghệ thông tin Việt-Hàn được UBND TP.Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại làng, phía ĐH Đà Nẵng mới chỉ xây dựng được Trường cao đẳng Công nghệ thông tin, khoa Y-Dược và khu ký túc xá dành cho sinh viên.
Đến thời điểm này, ngoài Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hữu nghị Việt - Hàn được TP Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại Làng Đại học, Đại học Đà Nẵng mới chỉ xây dựng được Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Khoa Y - Dược và khu ký túc xá dành cho sinh viên (gồm: khu nhà học A2, A3, A4 và 2 khối nhà ký túc xá) trên tổng diện tích đất quy hoạch 25,4ha, trong đó, mới hoàn thành giải phóng mặt bằng 23,1ha.
Trên phần diện tích đất 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam, Đại học Đà Nẵng đã sử dụng kinh phí tự bổ sung để tiến hành xây dựng một khu tái định cư trên diện tích 1,02ha với kinh phí đầu tư 1,66 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ, việc xây dựng khu tái định cư không thể thực hiện được. Cũng có hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm định, áp giá đền bù nhưng không có kinh phí để chi trả.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố cũng đã thống nhất thông qua việc mở rộng khu du lịch tắm khoáng nóng Phước Nhơn về phía Bắc với diện tích hơn 9ha và cho phép hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line thuê đất để xây dựng khu sinh thái phục vụ giáo dục, bao gồm khu dã ngoại, vườn sinh thái và khu sản xuất các hàng nông sản tại xã Hoà Khương.
Theo đó, bí thư Trần Thọ yêu cầu các đơn vị này làm việc với chính quyền và nhân dân địa phương, thống nhất việc đền bù, giải toả, đồng thời có kế hoạch tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người dân trong dự án khi không còn đất sản xuất.