Thông tin này được đưa ra tại hội nghị “Kết nối sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực CNTT phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2018” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công thương phối hợp tổ chức ngày 14-11 tại Đà Nẵng.
Thiếu kỹ năng mềm
Theo Sở TT&TT, Đà Nẵng hiện có khoảng 700 doanh nghiệp (DN) CNTT, thu hút hơn 24.500 lao động. DN trong lĩnh vực phần cứng, điện tử thường tuyển dụng lao động phổ thông nên không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Hiện số lao động làm trong lĩnh vực này tại Đà Nẵng là hơn 9.500 người, trong khi dự kiến đến năm 2020 con số này phải đạt 19.500 người mới đáp ứng đủ.
Ông Vương Quang Hùng, Giám đốc Công ty TNHH RikkeiSoft Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Đà Nẵng) cho biết, DN của ông có 110 nhân sự, trong đó khoảng 68% là lập trình viên. Để đạt mục tiêu mở rộng thị trường vào năm 2020, RikkeiSoft Đà Nẵng cần khoảng 200 nhân sự là các lập trình viên, quản lý dự án, kỹ sư cầu nối (người kết nối nhóm làm việc với khách hàng - PV), phiên dịch viên...
Theo ông Hùng, bên cạnh trình độ chuyên môn cơ bản, người lao động cần có kỹ năng mềm như: xây dựng kế hoạch, quản lý tiến độ, khả năng nghiên cứu nắm bắt công nghệ mới, ngoại ngữ... “Chúng tôi thấy kỹ sư CNTT ở Đà Nẵng có trình độ chuyên môn khá cao nhưng vẫn còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, năng lực tổ chức...”, ông Hùng bày tỏ.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng chỉ ra 5 hạn chế của nhân lực CNTT tại Đà Nẵng, gồm: thiếu định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, sự chủ động và khả năng tự nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của nhân sự CNTT Đà Nẵng.
Thực tế này không chỉ là hạn chế riêng của nhân lực CNTT tại Đà Nẵng mà còn là của cả nước. Ông Tô Hồng Nam, Cục phó Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: “Nguồn nhân lực CNTT hiện nay có chất lượng đầu vào cao và tăng dần. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa cao do hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thực hành”.
Theo giới chuyên môn tại Đà Nẵng, trước tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” này, nhiều kỹ sư giỏi liên tục “nhảy việc”. Điều này dẫn đến tình trạng mức lương chi trả có khi cao hơn khả năng làm việc, gây méo mó thị trường tuyển dụng lao động, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN.
Cần sự hợp tác, phối hợp đồng bộ
Để giải bài toán nhân sự, các đại biểu cho rằng, DN và cơ sở đào tạo phải có chiến lược, vừa chủ động tự xây dựng nguồn lực vừa hợp tác chặt chẽ để khai thác thế mạnh của nhau.
Ông Vương Quang Hùng cho biết thêm, hiện RikkeiSoft đang tiếp nhận và đào tạo nhiều thực tập sinh từ các trường đại học tại Đà Nẵng. Đồng thời, đơn vị cũng đã triển khai một số chính sách tài trợ cho các trường, các khoa trong ngành CNTT ở đây.
Thời gian qua, các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn Đà Nẵng như: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Trường Cao đẳng CNTT... đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, trang bị kiến thức trước khi bước vào môi trường lao động chuyên nghiệp, bằng cách liên kết với các DN CNTT để tổ chức các sự kiện giới thiệu công nghệ mới, hướng nghiệp, kết nối việc làm. Ở một số ngành học, DN cũng tham gia định hướng chương trình đào tạo của nhà trường để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo giữa DN và nhà trường vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Đặng Ngọc Hải, để hợp tác đào tạo thành công, DN cần cam kết duy trì, bảo đảm nguồn lực và chất lượng khóa học. Điều này trên thực tế không hề dễ dàng.
Ngoài ra, nhà trường cũng khó xác nhận chất lượng đào tạo từ DN, khó sắp xếp lịch đào tạo để thuận tiện đôi bên. Trong khi đó, TS Đặng Việt Hùng, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân bày tỏ: “Đa phần các trường ở Đà Nẵng phải tự đi tìm DN để liên kết. Nếu như có một đầu mối giúp kết nối nhà trường và DN thì sẽ thống nhất và hiệu quả hơn”.
Trước cái khó của DN cũng như các trường, ông Võ Đình Bảy, Trưởng Khoa CNTT của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, kinh nghiệm của khoa là cử 1 nhân sự chuyên làm việc với các DN; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Bảy cho hay, hạn chế hiện nay là các DN đi “săn” nhân lực (tuyển dụng các sinh viên giỏi, có kỹ năng đang học năm cuối ĐH) hơn là “nuôi trồng” (phối hợp để cùng đào tạo sinh viên ngay từ những năm học đầu).
Việc DN liên kết với nhà trường không nên chỉ dừng lại ở các buổi hội thảo, ngày hội tuyển dụng được tổ chức tại trường mà còn mở rộng ra các nội dung như: trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo; tham gia hội đồng và tài trợ các cuộc thi học thuật; tài trợ học bổng, cho sinh viên tham quan, kiến tập, thực tập…
Đối với việc liên kết đào tạo, nhà trường cũng linh hoạt bằng cách cho phép các khóa đào tạo chuyên môn trực tuyến của một số DN CNTT lớn thành các tín chỉ, sinh viên học xong vừa được DN cấp bằng vừa có tín chỉ từ nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng chọn CNTT làm mũi nhọn phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nhu cầu nhân lực cho ngành này là rất lớn. Nhân sự phải đủ mạnh để tạo ra các sản phẩm CNTT mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt chế tạo.
Tại Đà Nẵng, nhiều DN CNTT địa phương đã sản xuất ra các phần mềm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, điều hành DN, dịch vụ công… Trong giai đoạn 2018-2020, nguồn nhân lực CNTT thành phố sẽ được phát triển theo chiều rộng và chiều sâu theo hướng 3K (kỹ thuật - kỹ năng - kỷ luật), được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật bài bản; có kỹ năng mềm, có đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ thu hút nhân lực chất lượng cao về CNTT trong khu vực và trên thế giới.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo:
Có 4 yếu tố trong phối hợp nhà trường - doanh nghiệp
Để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nên quan tâm đến 4 yếu tố: doanh nghiệp dự báo nhu cầu nhân sự và các yêu cầu chất lượng; doanh nghiệp đặt hàng, xây dựng chuẩn đầu ra cho nhà trường; nhà trường và doanh nghiệp phối hợp cung cấp địa điểm, giảng viên OJT (đào tạo qua thực tế công việc - PV); mạng lưới các trường và doanh nghiệp trao đổi chương trình, công nhận tín chỉ của nhau.
Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng:
Giảng dạy miễn phí cho sinh viên
Hiện nay, Công ty Axon Active đang giảng dạy miễn phí về phương pháp Agile Scrum (quy trình làm việc được áp dụng phổ biến cho các dự án phát triển phần mềm - PV) cho sinh viên năm cuối ngành CNTT của các trường đại học ở Đà Nẵng. Mỗi khoá học gồm 30 tiết học, tương đương 2 tín chỉ.
Sau khi hoàn tất khóa học, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ, có thể làm các dự án theo mô hình Agile và đào tạo cho doanh nghiệp của mình. Với kiến thức này, sinh viên cũng có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng cho các dự án hợp tác với nước ngoài hay các dự án khởi nghiệp.
"Cuộc cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra là cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển cho Việt Nam, cũng là thời cơ phát triển các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, đẩy mạnh thị trường CNTT nội địa. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông PHAN TÂM