Sau 3 tháng mày mò thiết kế, dù chẳng tăng thêm được ký lô nào, thậm chí có người còn sụt đến 4 -5kg nhưng bù lại thiết kế của ba chàng SV ấy đã ẵm trọn giải nhất vòng chung kết khu vực miền Trung cuộc thi Thiết kế với TI MCU 2014 diễn ra vào ngày 3-10 vừa qua.
Đó là ba chàng trai của nhóm PIV-VK: Lê Tự Hiếu (trưởng nhóm), Phan Ngọc Điệp và Nguyễn Hữu Vinh, cùng là sinh viên năm cuối, lớp 10DT2, khoa Điện tử-Viễn thông Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Bọn em muốn… đẹp trai
Chỉ vào mình, Tự Hiếu hồn nhiên nói: “Thanh niên bây giờ nhìn ai cũng to con, cơ bắp săn chắc, còn em thì quá gầy, lại lùn nữa. Em mong mình tăng cân, tăng cả chiều cao. Ban đầu thì chỉ nghĩ đến là làm một cái gì đó thật đặc biệt cho chiều cao, cân nặng thôi, nhưng muốn xem thể hình phát triển thế nào thì phải có gương soi nên thiết kế này ra đời từ đó”.
Ý tưởng đã có, Hiếu-Điệp-Vinh tự phân công mỗi người một nhiệm vụ tùy theo năng khiếu của mỗi người. Vinh tập trung đầu tư cho việc thiết kế tạo sự đồng bộ giữa màn hình điện thoại và màn hình LCD gắn trên gương; Hiếu lại có năng khiếu về các thiết kế cảm biến, riêng Điệp lại chuyên về thiết kế các nút chạm cảm ứng, âm thanh cho thiết bị. Mỗi người một khâu, nhưng đến khi lắp vào một sản phẩm, các bạn gặp phải trục trặc do thiết bị không khớp nối, đó là chưa kể gần… 30 lần cháy mạch phải làm đi làm lại liên tục. “Hư ở đâu sửa ở đó, sai ở đâu chỉnh ở đó. Bọn mình đã làm thì đều quyết tâm sẽ đi đến cùng đến khi nào sản phẩm hoàn thiện mới thôi” - Hữu Vinh nói chắc nịch.
Sản phẩm Chiếc gương thông minh của nhóm PIV-VK được thiết kế hoàn toàn bằng cảm biến, các chi tiết được kết nối với nhau qua thiết bị không dây và sẽ tự khởi động khi có người đứng trước gương. Các nút điều khiển hoàn toàn được thiết kế cảm ứng, người dùng có thể tùy chỉnh ánh sáng theo sở thích. Không những tự động hiện cân nặng, chiều cao, nhịp tim lên màn hình LCD, người dùng còn có thể nghe những bản nhạc vui nhộn, du dương từ chính điện thoại của mình thông qua kết nối Bluetooth, nghe radio. Ngoài ra, người dùng có thể viết lời nhắn gửi cho người thân trên điện thoại rồi truyền tải qua gương bằng kết nối Bluetooth.
Với một bộ cảm biến nhiệt độ không dây được đặt ngoài trời hoạt động bằng năng lượng mặt trời, người sử dụng còn được “người bạn đặc biệt” này nhắc nhở mang theo ô, áo mưa phòng trời mưa hay nhớ đội mũ cẩn thận kẻo say nắng… Đa chức năng là vậy, nhưng thiết kế này lại không “ngốn” nhiều điện năng như nhiều người vẫn tưởng. Nhóm trưởng Tự Hiếu chia sẻ: “Ngoài việc chú trọng đến sức khỏe cộng đồng, chúng mình còn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề tiết kiệm năng lượng”.
Nuôi dưỡng ước mơ dài lâu
Phải đến năm thứ 3 ĐH, cả ba chàng SV này mới có ý niệm sẽ tham gia một cuộc thi chuyên về thiết kế, nhất là Cuộc thi thiết kế với TI MCU được tổ chức thường niên hằng năm. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc của hội đồng chấm thi là các thí sinh phải trình bày ý tưởng thiết kế trước ban giám khảo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên đã khiến các bạn trẻ vô cùng lo lắng. Với vốn liếng tiếng Anh không nhiều, cả ba đã “tầm sư học đạo” thêm bạn bè để có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ kỹ thuật và từ ngữ thông dụng nhằm thuyết phục ban giám khảo.
3 tháng ăn dầm nằm dề ở phòng lab, “nhịn” nỗi nhớ nhà để toàn tâm toàn ý cho công việc và phải ngửi mùi hàn chì “đến gần bệnh” nhưng chưa khi nào các bạn nản lòng. Kinh phí hạn hẹp nên phần lớn những chi tiết của thiết kế này đều được các bạn tận dụng lại từ những đồ án đã làm những năm trước hoặc mượn tạm của các anh, chị khóa trước. Ngoài ra, cả ba còn phải vay thêm tiền bạn bè để mua trang thiết bị. Điệp còn nói vui rằng: “Tụi em xác định sẽ là con nợ của mấy đứa bạn trong khoảng thời gian hơi lâu một tí”. Với số tiền 800 USD nhận được từ giải thưởng, cả ba sẽ mua thêm trang thiết bị, đầu tư cho thiết kế thêm hoàn chỉnh để mang đến một sản phẩm tốt nhất cho vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Đây là năm đầu tiên Hiếu và Vinh đến với cuộc thi thiết kế với TI MCU, riêng Điệp đã có ít kinh nghiệm “dắt lưng” từ năm trước. Tuy nhiên, điều cả ba làm được không chỉ khiến bạn bè ngạc nhiên, nể phục mà cả Ban giám khảo cuộc thi đều đánh giá rất cao. “Chỉ với một môđun của thiết kế này, các bạn đã có thể mang đi bảo vệ một đề tài. Đằng này, sản phẩm có đến gần 10 môđun kết hợp nhuần nhuyễn trong cùng một chi tiết thì việc nhóm giành giải Nhất là hoàn toàn thuyết phục” - một thành viên của Ban giám khảo nhận xét khi nghe nhóm PIV-VK trình bày ý tưởng.
Cuộc thi thiết kế với MCU Texas Instruments dành cho tất cả sinh viên CĐ, ĐH trên toàn quốc do Công ty Texas Instruments (Mỹ) tổ chức, với yêu cầu các đề tài bắt buộc phải sử dụng bộ xử lí chính là MSP430 hoặc Tiva ARM Cortex-M4F của công ty. SV phải tự thiết kế phần cứng cũng như phần mềm riêng chạy trên phần cứng này để thực hiện một ứng dụng nhất định. Tiêu chí đánh giá dựa trên nhiều kỹ năng như: mức độ hoàn thiện, tính ứng dụng, kỹ năng sử dụng thành thạo tiếng Anh khi thuyết trình, phương pháp minh họa và mô phỏng hệ thống được thiết kế,…Vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi sẽ diễn ra tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng vào tháng 11 sắp tới với 9 đội thi xuất sắc nhất của 3 miền Bắc-Trung-Nam.