Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Vô sư trí vi tôn là câu mà Phật hoàng Trần Nhân Tông treo trong phòng ở của ông tại Yên Tử

Được viết bởi webmaster ngày 12/11/2014 lúc 07:00 PM
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói rằng “Vô sư trí vi tôn” có thể hiểu nôm na là có chữ mà không có thầy đó là điều đáng tôn kính. Ý nghĩa sâu xa của câu nói này chính là đạo lý tự học.

Vô sư trí vi tôn là câu mà Phật hoàng Trần Nhân Tông treo trong phòng ở của ông tại Yên Tử

Vô sư trí vi tôn” là câu mà Phật hoàng Trần Nhân Tông treo trong phòng ở của ông tại Yên Tử. Nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói rằng “Vô sư trí vi tôn” có thể hiểu nôm na là có chữ mà không có thầy đó là điều đáng tôn kính. Ý nghĩa sâu xa của câu nói này chính là đạo lý tự học. Ngoài những kiến thức thầy dạy thì tự học là vô cùng quan trọng. Ông nhắc lại câu “Học, học nữa, học mãi” và cho rằng hiện nay nhiều gia đình cũng như trong xã hội chúng ta dạy con cái, dạy học trò học để đi thi, thi để có bằng, có bằng để tiến thân chứ không phải học cho mình, học để hiểu biết, để bồi bổ kiến thức, để cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
Tôi dạy các con cái đạo lý tưởng như đơn giản: tự học. Tự học ở đây không có nghĩa là không cần đến trường, không cần thầy giáo. Cha ông xưa có câu “Học thầy không tày học bạn”, là ý nói phải học ở mọi nơi, mọi lúc, phải học cả đời. Bây giờ trên sách báo, trên các trang điện tử có rất nhiều thông tin, rất nhiều kiến thức bổ ích, vấn đề tự học lại càng thuận lợi hơn …Tôi tạo điều kiện về sách vở, về thời gian, về những điều cần thiết để các con tự học, tự trau dồi kiến thức thường xuyên. Ngoài những điều học được ở nhà trường, cuộc đời còn dạy cho ta những bài học quý. Muốn tự học tốt phải có tính tự giác cao; có tính tự chủ cao; phải tự lực cánh sinh chứ không thể ỷ lại vào ai cả. Tự học, tự giác, đến tự chủ, tự lực …từ đó mà trở thành người có ích, sống tử tế chân tình …”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh tâm sự.
Con trai ông, Nguyễn Chí Công kể: “Năm 1968, ba anh em chúng tôi đi sơ tán ở Hà Tây. Tôi và cậu em học cấp 1 ở một trại, ông anh ở trại khác. Thỉnh thoảng, bố mẹ mang cho một ít lương khô, giao cho tôi “tay hòm chìa khóa”, tự chăm sóc, tự lo cho mình và cho em. Tôi phải tự mình chia số lương khô sao cho đủ dùng trong thời gian bố mẹ chưa đến tiếp tế. Có lần cậu em tôi cứ đòi ăn thêm, tôi không cho, đòi quá, tôi bớt khẩu phần của mình cho em. Tôi luôn nhớ câu nói của bố ‘con lớn rồi, phải trông em’…Bố đã dạy chúng tôi ý thức tự lập ngay từ bé”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho tôi mượn cuốn sách “Chuyện kể với người thân” do ông viết trong nhiều năm. Đó là những câu chuyện có thực về gia đình, ông viết rất cảm động. Ông nói, đã in ra nhiều bản đưa cho các con, các cháu.
Bố Phòng (Nguyễn Ngọc Phòng – thân sinh cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh còn gọi là ông Tư, người đã tham gia Quốc Dân Đảng chống lại thực dân Pháp, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo) bị kết án khổ sai chung thân. Bà nội và mẹ Tư (vợ ông Phòng) kể lại rằng tại phiên tòa xử bố Phòng nhiều chính trị gia là bị cáo đã cãi to bằng tiếng Pháp. Sau khi ra tù, bố Phòng bị bệnh nặng, thầy thuốc bảo phải có mấy cánh bọ hung bỏ vào thang thuốc; Mẹ rất vất vả mới kiếm được mỗi ngày vài con bọ hung. Bố Phòng luôn mang bên mình một gói vôi bột giã nhỏ để hít vào phổi. Để có cái nuôi con, mẹ Tư mở cửa hàng bán nước mắm và tạp hóa, treo trước cửa một con cá chép bằng gỗ vì thế hàng xóm gọi bà là bà nước mắm con cá”. Những hồi ức như thế quả là những bài học sinh động để các con, các cháu ông tự học, tự nhận thức, một hình thức tự giáo dục không cần lý thuyết, khuyên răn, rao giảng gì cả, mà theo tôi là rất hiệu quả.
Trong việc dạy con, vợ chồng ông không quát mắng, không áp đặt, luôn tôn trọng ý kiến của con. Có nhiều việc ông chỉ đưa ra câu hỏi để các con nêu ý kiến, bàn luận sao cho sự việc rõ ràng. Nóng giận, ông cũng chỉ cầm roi “để dọa”…
Có một lần, tôi nghịch và nói hỗn câu gì đó, bố tôi quyết định trừng phạt tôi, ông bắt tôi nằm trên giường, úp mặt xuống, ông cầm một cái roi to, tôi rất sợ nhưng không khóc. Khi ông chuẩn bị đánh, tôi nhắm mắt lại. Chờ một lúc không thấy gì, tôi hé mắt nhìn xem, thấy bố tôi lấy một cái gối kê lên mông tôi rồi ông vụt một cái thật mạnh, nghe bốp một cái. Tôi chẳng thấy đau gì cả, nhưng tôi rất hoảng. Ký ức đó tôi vẫn nhớ như in cho đến tận bây giờ”, con trai ông - Nguyễn Chí Công kể.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và vợ ông, bà Lưu Khánh Mỹ có ba người con trai. Nguyễn Công Thành sinh năm 1956, tốt nghiệp đại học Bách Khoa; Nguyễn Chí Công sinh năm 1958, kỹ sư thủy lợi sau làm thạc sỹ ở Úc, tiến sỹ ở Mỹ, giờ làm việc ở Bộ Tài nguyên và Môi trường); Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1960, tốt nghiệp đại học Giao thông, giờ là Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Nội vụ. Có thể nói các con ông đã được học hành đến nơi đến chốn, đã thành danh …
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh sinh năm 1928, quê ở Thường Tín (Hà Tây cũ) nhưng sống nhiều năm ở Thái Nguyên. Ông nội nguyên Phó Thủ thướng Nguyễn Khánh từng làm ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Bố ông là Nguyễn Ngọc Phòng tham gia quốc dân đảng, bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Côn Đảo năm ông mới một tuổi. Ông đã được mẹ là bà Tư nuôi nấng dạy dỗ từ bé. Ông học tiểu học ở Thái Nguyên rồi chuyển về học ở trường Gia Long (Hà Nội). Năm 1950, ông chuyển sang làm công tác ở đoàn thanh niên, từng là Bí thư tỉnh đoàn Thái Nguyên. Rồi ông được cử đi học ở Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Là một chính trị gia, ông từng là Bí thư TƯ đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng chính phủ từ năm 1987 đến năm 1997; là đại biểu quốc hội trong ba khóa liền (khóa VIII, IX, X).
Ông là người thanh niên Việt Nam tiêu biểu có ảnh đăng trên số báo Tiền Phong đầu tiên xuất bản tại chiến khu Việt Bắc (1953). Ông cũng là quan chức cao cấp (Phó Thủ tướng Chính phủ) có mặt tại cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức (1988). Khi các hãng tin nước ngoài đưa ảnh ông với chức danh Phó Thủ tướng đến dự và bình luận rằng đó là tín hiệu đổi mới thực sự ở Việt Nam, ông bảo tôi rằng “Tớ bị các cụ phê bình đấy”.
Khi ông còn ở số nhà 51 phố Phan Đình Phùng, có lần tôi đến chơi, ông bảo người nhà hái mít trong vườn rồi mời tôi cùng ăn. Giờ ông chuyển về phố Trần Quang Diệu, gần nhà tôi, tôi thường đến trò chuyện với ông. Ông là người thông minh, cởi mở, sống chân tình, một chính khách có tư tưởng đổi mới mà tôi rất quý trọng. Đạo lý dạy con tự chủ, tự học, tự lực cánh sinh để từ đó đất nước mình phát huy hết tính tự cường dân tộc là điều cần thiết cho sự phát triển độc lập, phồn thịnh về sau, tôi nghĩ vậy.

Nguồn bài viết: Sưu tầm

Bài viết tương tự

Bài viết cùng chuyên mục

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT