Nhìn bên ngoài, Vương Quang Khải không giống một chuyên gia công nghệ điển hình. Vị Phó tổng giám đốc VNG trông giống một công tử mặt mũi sáng sủa, ngoan ngoãn, ăn mặc giản dị và khi lên hình thì mặt buồn buồn một cách khó hiểu.
Thực tế, Khải có mặt với vai trò quan trọng hoặc là cha đẻ của nhiều sản phẩm Internet đình đám và tất nhiên là không “ngoan”.
Khi còn là sinh viên của Đại học Bách Khoa, Khải đã vài lần tấn công và đánh sập mạng Trí Tuệ Việt Nam (tiền thân của Internet tại Việt Nam lúc bấy giờ) do Trương Đình Anh sáng lập. Sau hai lần đầu bị cảnh cáo và cắt tài khoản, đến cuộc tấn công thứ ba, Khải được Đình Anh mời đến và đề nghị phụ trách luôn việc phát triển sản phẩm mạng Trí Tuệ Việt Nam.
Làm việc tại FPT, cậu sinh viên được các lãnh đạo tại đây khá ưu ái và là lớp trưởng khóa đầu tiên của Trung tâm Tài năng trẻ FPT. Vương Quang Khải cũng nằm trong số 13 nhân tài về phần mềm được FPT tập hợp để bắt đầu cuộc trường chinh toàn cầu hóa cho xuất khẩu phần mềm.
Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG
Thế nhưng, khi tốt nghiệp đại học, thay vì tiếp tục làm việc với triển vọng tươi sáng tại công ty công nghệ thông tin số 1 Việt Nam, Khải đột ngột xin nghỉ việc để tìm kiếm học bổng đi Mỹ. Trương Đình Anh - nhân vật trẻ tuổi nổi tiếng nhất FPT thời điểm đó - ra sức thuyết phục Khải ở lại và khuyên: “FPT là cơ hội tốt nhất hiện nay”. Chàng sinh viên mới tốt nghiệp có vẻ mặt ngoan ngoãn đã từ chối bởi muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới.
Những trận đánh thử
Rời FPT, Khải được Bryan Pelz (một cựu lãnh đạo của FSoft, người quen của Khải khi làm ở FPT) mời tham gia vào nhóm sáng lập VinaGame (tiền thân của công ty VNG sau này) và nói rằng việc sang Mỹ học cũng chẳng ích gì. Dù rất quý và khâm phục tầm nhìn của Bryan về thị trường Internet nhưng Khải cũng từ chối vì không quan tâm tới game online.
Không bó buộc ở một công ty nào, Vương Quang Khải tiến hành làm một số sản phẩm Internet khá thú vị như bản đồ trực tuyến Hà Nội (giải Trí Tuệ Việt Nam 2000) cho phép tìm kiếm địa điểm, đường đi - một sản phẩm có "phong cách" như Google Map bây giờ. Cậu sinh viên mới ra trường cũng thử “quyết đấu” với Google khi làm máy tìm kiếm Hoa Tiêu. Điểm nổi bật của sản phẩm này là hiểu tiếng Việt và cho phép tự động chuyển đổi các bảng mã tiếng Việt khác nhau (lúc đó Việt Nam có nhiều bảng mã tiếng Việt mà Google lại không hỗ trợ).
Tuy nhiên, đến khi cả nước đều chuẩn hóa theo bảng mã Unicode thì Khải quyết định từ bỏ thị trường máy tìm kiếm vì biết rằng không thể cạnh tranh nổi với Google.
Sau 3 năm kể từ khi rời FPT, Vương Quang Khải sang Mỹ, tu nghiệp tại Đại học Columbia, một trong những trường danh tiếng nhất nước Mỹ. Tại đây, học tập và nghiên cứu với sinh viên các nước, Khải nhận thấy người Việt Nam cũng không hề thua kém và nếu quyết tâm thì có thể đuổi kịp trong một số lĩnh vực. Tinh thần “không sợ Tây” của chàng “Đông-Ki-Sốt” cũng được nhen nhóm từ đây.
Cơ hội lớn
Về nước năm 2007, Khải có lựa chọn tại ba công ty hàng đầu trong lĩnh vực Internet lúc bấy giờ là FPT, VTC và VNG.
Cuộc gặp với sếp cũ Trương Đình Anh tại FPT diễn ra khá vui vẻ, nhưng Khải thấy mình không phù hợp với một nơi chủ yếu kinh doanh đường truyền, chứ không quyết tâm làm các sản phẩm Internet và đòi hỏi phải có lợi nhuận trong khoảng hai năm kể từ khi đầu tư. Với VTC, dù công ty có tiềm lực và tiếng tăm, nhưng Khải cũng không cảm thấy hứng thú.
Còn sau cuộc nói chuyện dài với Lê Hồng Minh và Bryan - hai người từng mời Khải tham gia VNG (bất thành) vài năm trước đây, Khải đã đồng ý gia nhập công ty Internet nhỏ nhất trong số ba lựa chọn.
Lý do khiến anh chọn công ty nhỏ nhất, theo như anh nói, là vì hai người có vị trí quan trọng nhất tại VNG có chung khát vọng tạo ra những sản phẩm Internet làm thay đổi cuộc sống của người Việt.
Bên cạnh đó, họ sẵn sàng ủng hộ những cách làm khác biệt, điều rất quan trọng trong bối cảnh Internet là một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam. Và lý do cuối cùng, VNG có tiền và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho những sản phẩm lớn mà không đòi hỏi lợi nhuận ngay lập tức. Gia nhập VNG, Khải được giao phụ trách phát triển các sản phẩm Zing - mảng mới của một công ty trước đó chỉ làm game online.
Zing Chat - sản phẩm đầu tiên của Khải tại VNG - là sản phẩm mua lại của nước ngoài (đã thành công lớn ở Trung Quốc), được điều chỉnh cho phù hợp thị trường Việt Nam để cạnh tranh với Yahoo Messenger, và được đầu tư rất lớn. Thế nhưng, Zing Chat lại không thành công.
Trong lúc chờ làm thủ tục mua Zing Chat từ đối tác nước ngoài, Vương Quang Khải quyết định “làm thêm” dự án website nghe nhạc Zing MP3. Sản phẩm này bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân của Khải những năm còn học ở Mỹ. Lúc đó, hình thức giải trí chính là nghe nhạc, nhưng muốn tìm một bài hát hay, người dùng phải vào nhiều trang nghe nhạc trực tuyến để tìm kiếm và thấy không hề tiện lợi.
Không giống với khoản đầu tư “bom tấn” cho Zing Chat, Zing MP3 được đầu tư rất ít và là sản phẩm do Khải và các kỹ sư của VNG tự làm. Thế nhưng, sau 3 tháng ra mắt, Zing MP3 đã vượt tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến có mặt trên thị trường. Sau 6 tháng, Zing MP3 vào danh sách 5 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam.
Thành công của Zing MP3 củng cố niềm tin của Khải cùng những cộng sự làm nhóm sản phẩm Zing, rằng: “Người Việt phải tự chủ làm các sản phẩm về Internet, và không nên nhập khẩu để biến thành vùng trũng công nghệ”.
Mạng xã hội Zing Me là sản phẩm Internet tiếp theo mà Vương Quang Khải là kiến trúc sư trưởng. Lúc đó, nhóm làm Zing nhìn thấy cơ hội của một sản phẩm cộng đồng thay thế cho Yahoo 360. Được phát triển bởi những chuyên gia hàng đầu về Web 2.0, Zing Me ra đời và trở thành mạng xã hội có hơn 8 triệu người dùng. Tới năm 2012, Zing Me đuối dần và bị Facebook vượt mặt. Mặc dù vậy, Zing Me cũng vẫn là một chiếc “máy cái” cho các hoạt động kinh doanh giải trí của VNG, và là nguồn kinh nghiệm quý giá về phát triển cũng như vận hành các sản phẩm với quy mô nhiều triệu người dùng.
Thất thủ trước Facebook, Khải lại khởi động một cuộc chiến với những người khổng lồ công nghệ khác của thế giới tại Việt Nam: ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động (OTT). Đây là một ngã rẽ hoàn toàn mới của nhóm làm sản phẩm Zing, và cũng là một cuộc chơi đầy rủi ro.
Trong khi các đối thủ sừng sỏ trên thế giới như Wechat, Line, Kakao Talk… đã có hàng trăm triệu người dùng trên thế giới, cùng kinh nghiệm phát triển sản phẩm, tiềm lực tài chính hùng mạnh… thì Zalo bắt đầu từ con số 0. Ngay cả bên trong VNG, cũng có rất ít người tin Zalo sẽ làm nên chuyện. Niềm tin này càng được củng cố khi nhóm làm Zalo gặp sai lầm lớn khi thiết kế sản phẩm thử nghiệm.
Ra thị trường chậm hơn đối thủ lớn nhất lúc đó là WeChat tới 8 tháng, cộng thêm sai lầm về sản phẩm, Zalo gần như lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, vào đúng lúc khó khăn nhất, đội ngũ làm Zalo quyết định thực hiện một cú ngoặt tay lái. Họ chuyển sang chiến lược “mobile first”, tức là viết lại hoàn toàn ứng dụng để tối ưu cho các thiết bị di động. Nhờ đó, Zalo đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục và trở thành OTT đầu tiên tại Việt Nam cán mốc 3 triệu người dùng…
Ba vận may
Nếu như ở lại FPT cùng Trương Đình Anh gây dựng FPT Telecom, hay không đi Mỹ học để khởi nghiệp VNG cùng Bryan và Lê Hồng Minh, giờ đây, biết đâu Vương Quang Khải cũng có thể đã trở thành một triệu phú USD.
Được hỏi có tiếc việc lỡ cơ hội làm giàu với FPT và VNG hay không, Khải nói: “Bố tôi là một nhà nghiên cứu, mẹ tôi làm kinh doanh. Khi lớn lên tôi cũng thường băn khoăn không hiểu mình thích hướng nào hơn trong hai thứ đó. Nhưng tôi biết chắc, đam mê lớn nhất của mình là tạo ra những sản phẩm lớn cho người Việt sử dụng và có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tôi thường nói đùa với bạn bè, nếu sinh ra ở 100 năm trước, chắc chắn mình sẽ làm ngành điện bởi đó là lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của con người”.
Có lẽ, một người làm công nghệ nhưng lãng mạn và hơi gàn dở như Vương Quang Khải thích hợp cho những câu chuyện cổ tích về sản phẩm hơn là tiền bạc.
Khi nói về vận may của mình trong ngành Internet, Khải nói đến ba cơ hội lớn. Thứ nhất, gặp Trương Đình Anh và được giao phát triển mạng Trí Tuệ Việt Nam - nơi định hình khát vọng làm Internet của Khải lúc còn ngồi trên ghế giảng đường. Thứ hai, gặp Lê Hồng Minh và Bryan (hai thành viên Hội đồng Quản trị VNG) lúc từ Mỹ về - những người chấp nhận sự khác biệt và ủng hộ Khải phát triển những dự án được coi là quá mạo hiểm và điên rồ...
Và cơ may thứ ba là người đầu tiên mà Khải gặp khi đến FPT nhận lời mời làm việc của Trương Đình Anh. Lúc đó, “nàng” quản lý nội dung cho Trí tuệ Việt Nam, còn “chàng” được giao phát triển sản phẩm. Một mối tình lãng mạn, đầy sóng gió, nhưng có cái kết như phim Hollywood.
Hiện tại, cô biên tập viên của báo Tuổi Trẻ đã là mẹ 3 cậu con trai của Vương Quang Khải (một bé chuẩn bị chào đời). Khải coi đó là may mắn lớn nhất của đời mình.