Một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm các thiết bị băng thông siêu cao cho các hệ thống quang (Centre for Ultrahigh Bandwidth Devices for Optical Systems - CUDOS) của Úc đã phát triển một công nghệ mã hóa dữ liệu cho phép tăng hiệu suất của mạng lưới cáp quang hiện có trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng phát minh của họ sẽ nâng cao dung năng của các mạng cáp quang đến một mức độ mà tất cả lưu lượng Internet trên thế giới có thể được truyền dẫn thông qua một sợi cáp duy nhất.
Tương thích với mạng lưới Internet hiện có, công nghệ mã hóa dữ liệu của CUDOS mang lại hiệu suất cao hơn trong việc sử dụng các kênh dữ liệu có sẵn. Nếu như các mạng lưới hiện nay truyền dẫn dữ liệu với nhiều khoảng trống giữa các kênh thì phương pháp mới sẽ giúp các kênh xích lại gần nhau hơn, qua đó cho phép nhiều luồng dữ liệu cùng truyền tải với tốc độ siêu cao.
Để trình diễn cho hệ thống, nhóm nghiên cứu đã lập trình lại một bộ LCoS WSS - một thành phần mạng sử dụng các bước sóng laser khác nhau để kết hợp/tách nhiều dòng dữ liệu kỹ thuật số trên một sợi cáp quang theo công nghệ vi chiếu LCoS nhằm khai thác các kênh dữ liệu hiệu quả hơn.
Nhóm nghiên cứu bao gồm giáo sư Arthur Lowery và tiến sĩ Liang Du tại Khoa điện và kĩ thuật các hệ thống máy tính Monash cùng Jochen Schroeder, Joel Carpenter và Ben Eggleton từ đại học Sydney đã tìm cách truyền dẫn một tín hiệu với tốc độ 10 Tb/s trên một khoảng cách hơn 850 km bằng công nghệ trên.
Mặc dù tốc độ này vẫn chưa bằng 1 nửa so với kỷ lục 26 Tb/s được Viện công nghệ Karlsruhe, Đức xác lập 2 năm về trước nhưng so về khoảng cách thì lại nhiều hơn 50 km.
Giáo sư Lowry cho biết bộ chuyển có thể được sử dụng để nén tín hiệu vào các khoảng trống trong lưu lượng dữ liệu truyền xung quanh các mạng lưới cáp quang hình tròn giữa các thành phố. "Điều quan trọng là lưu lượng dữ liệu mới có thể được nén vào sợi cáp tại mọi vị trí và bổ sung đến mọi "làn" truyền dẫn của sợi cáp, thậm chí là giữa các làn đã có sẵn," ông nói. "Thay vì lắp đặt hàng trăm sợi cáp quang song song với nhau để tăng dung năng của mạng lưới, chúng tôi có thể khai thác mạng lưới sẵn có hiệu quả hơn bằng cách tinh chỉnh cách thức dữ liệu được dẫn truyền trên các cự ly dài."
"Bước tiếp cận của chúng tôi rất linh hoạt, các nhà điều hành mạng có thể điều chỉnh dung năng nhằm đáp ứng với nhu cầu tăng cao, chẳng hạn như từ những người dùng đang theo dõi các sự kiện thể thao lớn như Olympics," tiến sĩ Schroeder bổ sung.
Nhóm nghiên cứu tin rằng công nghệ trên sẽ cho phép hạ tầng mạng hiện tại đối mặt với nhu cầu tăng cao đối với Internet, dự kiến sẽ tăng hơn 1000 lần trong 1 thập kỷ tới với mức đầu tư thấp nhất. Theo giáo sư Liang Du: "Do chúng tôi chỉ sử dụng các trang thiết bị hiện có trên thị trường nên công nghê này có thể được chuyển đến người tiêu dùng khá nhanh."
Phát minh của nhóm nghiên cứu CUDOS đã được trình diễn trong tháng vừa qua tại hội nghị Optical Fiber Communication ở California.