Người Việt Nam hễ bật môi là gọi miền Trung bằng cụm từ thân thương “khúc ruột miền Trung”, bởi miền Trung nhỏ bé, nằm giữa gánh hai đầu đất nước.
Khắp dải miền Trung này, mùa hè khô nóng hanh hao, mấy chú rắn mối da bóng loáng thi nhau trườn trên bãi cát. Mùa đông mưa dầm dề, đã vậy cứ hết bão này lại đến lũ kia.
Thiên tai dồn dập đổ xuống miền Trung, khiến người quê chưa dọn xong cái mái tôn rách nát của cơn bão trước đã phải run lẩy bẩy trước gió của cơn bão này.
Tháng mười vừa về mà bão lũ đã kịp lướt qua tất thảy mọi nơi của khúc ruột miền Trung. Cả miền Trung lay lắt, tan hoang trước cơn nổi giận của thiên nhiên.
Đi ngang qua cánh đồng ngập nước, nghe đâu đó tiếng khóc than của những bông lúa chưa kịp trổ đòng. Cũng lúc nào đó, tôi đã nghe nhiều tiếng khóc ở nơi đây.
Có tiếng khóc nghẹn ngào đau đáu nhớ thương của một người mẹ có con là liệt sĩ. Có tiếng khóc của người con gái khi úp mặt vào nấm mồ của người cha đã hy sinh khi hai cha con chưa từng gặp mặt. Có tiếng khóc nghẹn ngào của một người lính nhớ về đồng đội khi về thăm lại Thành Cổ…
Và giờ là tiếng khóc hờn tủi của bao người quê trong mùa bão lũ. Khi ngôi nhà bị bay hết mái, những bức vách lỗ chỗ nằm chơ hơ giữa đất trời. Tiếng gió rít lên từng hồi bóc tách và cuốn đi mọi thứ, từ cái bảng hiệu của chị thợ may trong xóm, từ chiếc xe đạp em dựng vội ở góc nhà đến những đôi dép ngoài cửa và cái chậu rửa rau. Cây cối bật gốc, chiếc rễ cắm sâu trong đất qua bao năm tháng nay cứ từ từ rẽ đất rồi kiệt sức nên đứt hẳn, chẳng thể bấu víu vào lòng đất mẹ. Những rừng cao su được chăm bón bằng mồ hôi và nước mắt nay thi nhau ngã rạp, niềm hy vọng đổi đời cũng vụt tắt đi từ giây phút ấy.
Thóc gạo mọc mầm trong lũ, gà vịt trôi dập dềnh theo đám lục bình ngoài kia. Những ngôi nhà chỉ còn là một dấu chấm nhỏ xíu giữa biển nước mênh mông. Con đường quốc lộ ngoảnh trước ngó sau chẳng nhìn ra thân mình. Làng mạc, giếng nước, cổng làng, đình miếu nơi thờ tự, nơi của người đã khuất cũng chìm trong dòng nước lũ chảy xiết.
Ngồi nhìn lũ mà nghe ngoại rùng mình kể chuyện lũ lớn năm tám ba, hồi ấy mợ mới sinh anh được hai ngày, nước vào ngập cả giường, kê bàn kê tủ chừng nào nước lên chừng ấy. Sau cùng, thắp hương vái tổ tiên, đưa bộ lư đồng xuống để mợ bồng anh lên bàn thờ ngồi vì nơi ấy là cao nhất. May thay, ngang chừng ấy thì nước ra.
Hôm rồi, trò chuyện với chú, chú chuyển nhà lên phố đã lâu mà cứ nhớ quay quắt cái nhà cũ ven sông Thạch Hãn. Nhớ gì không nhớ, cứ nhớ lũ về cả làng chìm trong nước. Lũ qua, trên tường in hằn mãi vệt nước lũ ngâm bấy nhiêu ngày, nhà nào sơn tường lại thì vết ấy mới mất đi, còn không, nó còn mãi như một chứng tích qua từng ấy mùa bão lũ, cứ như cái vạch mà người ta hay đo chiều cao của con cái khi lớn. Bây giờ, nhà ở phố bê tông chắc chắn, vậy mà mỗi khi mưa gió, cứ thất thần nhớ tiếng rít từng hồi của mái tôn năm nào.
Lũ qua, mấy o, mấy mệ vơ vội chiếc nón cời tơi tả để che mưa, còng lưng nhặt những hạt thóc còn sót lại. Người không ăn được nữa thì gà vịt ăn, nghĩ rồi quệt nước mắt, cái chuồng gà bây giờ còn con nào nữa đâu.
Đàn ông trèo lên mái nhà mướt mồ hôi lợp lại cái tấm tôn vừa bị bay mất. Có đôi vợ chồng đưa tay lần từng vết gãy của thân cao su mà úp mặt vào đó. Đám trẻ nít ngồi hong sách vở và nghĩ tới ngôi trường bây giờ, hẳn bàn ghế bảng đen cũng đậm mùi bùn đất.
Những người ở xa, nghe tin quê mùa bão lũ lại gọi điện ra thăm hỏi. Ba mẹ lúc nào cũng thở dài rồi mạnh miệng trả lời “cũng không răng hết mô, con cứ lo học hành…”
Năm nào cũng thế, những mùa bão lũ này qua thì mùa sau lại đến. Song, chẳng ai nỡ bỏ đất này mà đi. Có chăng, những người trẻ, từng ôm đống sách vở đọng mùi bùn để đến trường đã quá hãi hùng lũ quê hương nên đi xa lập nghiệp cũng là tránh những mùa bão lũ.
Thương miền Trung, người Nam người Bắc chung tay góp sức, vực miền quê này dậy. Miền Trung lại kiên cường, còng lưng tần tảo lao động. Để cánh đồng ngập nước ấy rồi sẽ xanh rờn màu lúa non, cái ao cá lại đầy, gà vịt thong thả nhặt thức ăn trong vườn. Con đường quê lại ngút ngàn những dải hoa xuyến chi dài bất tận.