"Thiện căn cốt ở lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. "
Thiện và ác nó thật mong manh, nó na ná như sống và chết... So sánh vậy chắc cũng quá mơ hồ, xa xăm, ác và thiện sao giống sự sống và cái chết cho được? Thiện và ác tuy nó đối lập nhau nhưng luôn tồn tại song song trong một con người.
Trong mỗi con người chúng ta thường có hai mặt thiện và ác, tôi thường ví von là trong con người ta có một con cọp và một con thỏ, con cọp là ác độc và con thỏ là nhân từ - tâm thiện. Những lúc con cọp giận hờn gầm rú, con thỏ lại vuốt ve, thỏ thẻ khuyên can... con cọp nghe lời thì lúc đó con người ta nguôi giận và thôi hành xử ác độc theo cái lí trí mình đang muốn trả thù, báo hận. Nhưng cũng có những lúc con cọp đạp qua những lời của thỏ can ngăn, thậm chí nó giết luôn con thỏ - lúc này chẳng còn tý nào lương tâm, lí trí thiện, nó lao vào cắn xé kẻ thù.
Vậy thế nào là thiện với ác?
- Thiện: là việc làm tốt, xuất phát từ tâm bản thiện... những ý nghĩ, lời nói, hành động của mình đã làm cho mọi người vui vẻ, ưa thích.
- Ác: là những ý nghĩ, lời nói, hành động... gây nên những tai họa khôn lường, gieo rắc buồn phiền - làm đau người khác và đôi khi chính bản thân mình. Cố làm những việc chỉ nhằm đem lợi cho bản thân mình mà làm tổn hại cho người khác đó cũng là ác.
Con người lúc giận thường mất khôn, làm những việc trái với lương tâm đạo đức, luân lí xã hội, có những kẻ ngang tàng vác dao chặt tay, đâm bụng, cướp của. Ngay giai đoạn đó họ chỉ là những con thú không hơn không kém, họ điên cuồng vì con đói, có thể là nghèo khó sinh đạo tặc, cũng có thể là con nghiện đang khát thuốc mà sinh điên loạn. Lúc này cái tâm thiện của họ đã biến mất trong con người họ, đôi khi có nhưng chẳng thể nào hoàn lương. Họ càng chém giết thì tâm trí của họ càng ác độc. Nhưng rồi cũng đến một ngày nào đó, họ bất chợt chùn tay, đầu óc bắt đầu phán xét chính những việc làm của họ, phải chăng cái thiện trong họ đã trỗi dậy? Lúc này họ lại thèm muốn: "Ước gì bàn tay tôi chưa nhuốm máu, ước gì tôi được trở lại ngày xưa và không theo con đường này"
Xã hội bây giờ thật nhiễu nhương, bao nhiêu cảnh ác độc diễn ra, nó làm ta sợ. Nào là con đánh mẹ, chồng chém vợ, hành hạ trẻ thơ... Những bài báo đưa tin làm cả xã hội phẩn nộ, tức giận. Sao lại có những con người ác độc đến như vậy? Lương tâm của họ để ở đâu? Thấy cảnh người lâm nạn mà như thể đó chính là của gia đình mình vậy.
Phải chăng vì cuộc sống ngày nay quá khó khăn, việc kiếm miếng cơm manh áo quá nặng nề, đã làm cho tâm hồn con người u mê, ác độc... sự căng thẳng đã thể hiện ra hành động như vậy? Có cách nào cứu vớt họ thoát khỏi sự ác độc hay không?
Ác và hoàn lương, ác và sự tha thứ... Trong câu chuyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, nhà văn nói đến cuộc đời anh Chí vào cái lúc xã hội Việt Nam tăm tối, dân tình nghèo khổ,... cái xã hội đã tạo nên một bi kịch cho anh Chí bị tha hóa trong xã hội đó. Ban đầu Chí Phèo là một người nông dân bình thường, nhưng sau khi vào tù do Bá Kiến ghen tuông, ra tù Chí Phèo trở thành một con kẻ xấu, ngang ngược, say xỉn... Sau những cơn say và tình yêu với Thị Nở, Chí muốn trở lại làm một con người tử tế, bát cháo hành của Thị Nở đã làm cái thiện trong người Chí Phèo trỗi dậy, Chí đã sống với bản chất đẹp của con người mình. Nhưng người đời, xã hội không ai tin và cho rằng Chí là người tốt, người lương thiện... họ coi thường, đối xử tệ, thậm chí ruồng bỏ coi khinh, anh không được xã hội cho anh cái quyền làm người, tất cả đã dồn Chí vào bước đường cùng. Chí Phèo đã đâm chết kẻ gieo cho mình số phận không được làm người và tự kết liễu đời mình.
Hãy cho chúng tôi làm người - hạnh phúc nhỏ nhoi có được không?
Con người ác độc với những hành động tàn nhẫn, chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị, xã hội lên án, tòa án lương tâm của chính họ phán xét. Nhưng chúng ta đừng đem hận thù trả oán thù, Albert Schweitzer có câu: "Trả thù... như một tảng đá đang lăn mà nếu anh đẩy lên đồi thì nó sẽ quay trở lại với vận tốc lớn hơn, và sẽ đập gẫy chính những xương cốt đã tiếp lực cho nó. (Revenge... is like a rolling stone, which, when a man hath forced up a hill, will return upon him with a greater violence, and break those bones whose sinews gave it motion.)". Hay Mahatma Gandhi nói: "Ăn miếng trả miếng chỉ khiến cả thế giới mù mà thôi (An eye for an eye only ends up making the whole world blind.)"
Có những khi ta đọc đâu đó bài báo về sự ác đọc của một con người, ta đùng đùng tức giận, và trong suy nghĩ ta hiện lên hàng trăm hàng ngàn sự trả thù thích đáng cho kẻ đó: Bắt giam và xử tùng xẻo, mỗi ngày xẻo một miếng thịt cho đến khi kẻ đó chết. Hay tra tấn đánh đập dã man... Ôi thế ra ngay chính ta cũng đang rất ác độc và tàn bạo? Ta đi gieo rắc tội đồ vào người khác, có thể ta thay trời hành đạo, anh hùng trừng trị kẻ lưu manh nhưng oán thù trả oán thù, biết bao giờ thôi tội ác. Các bạn có nghĩ rằng ta giết họ đi rồi, người thân của họ có tìm ta trả thù không?
Biết tội ác phải đưa ra bêu rếu, lên án... để cho chính kẻ đó phải nhận ra được tội lỗi của mình mà sửa sai, đồng thời là tấm gương xấu để mọi người đừng dính vào. Nhưng bên cạnh đó ta hãy hướng họ trở thành một người thiện, một người tốt, lòng nhân ái của con người sẽ giúp họ sống tốt hơn, tử tế hơn. Hãy cho họ từ người xấu xa, đốn mạt trở thành người thường, từ người thường tiến lên người tốt, người hiền và có thể trở thành vị Thánh. Hãy luôn đem tâm mình ra hướng thiện, phải tự ta phán xét chính ta đã làm gì tốt, và những cái gì đã sai, như thế đời ta mới an nhàn, xã hội mới bình yên, cộng đồng mới an vui!
Thomas Fuller: "Con người ưa trả thù vì bị tổn thương hơn là đền đáp cho lòng tử tế. (Men are more prone to revenge injuries than to requite kindness.)"