Cấp bậc tác giả:

Tâm Sinh Lý

Bến đỗ

Được viết bởi QuangIT ngày 10/10/2013 lúc 09:39 PM
Chuông reo hết tiết, tôi uể oải đứng lên ôm cặp ra về. Tụi bạn tíu tít phía sau cười nói hồn nhiên. Hương chạy theo “- Ê, mai đi ra phố chơi nhé!”. Trong cái cười trong trẻo của nhỏ, tôi nhìn trân trân, nó nháy nhẹ mắt: “- Đi lễ í mà”, tôi phì cười vì cái giọng của nó. “- Ừ” tôi khẽ đáp lời nhỏ mà nghe trong lòng có điều gì lạ lắm.

Bến đỗ

Chuông reo hết tiết, tôi uể oải đứng lên ôm cặp ra về. Tụi bạn tíu tít phía sau cười nói hồn nhiên. Hương chạy theo “- Ê, mai đi ra phố chơi nhé!”. Trong cái cười trong trẻo của nhỏ, tôi nhìn trân trân, nó nháy nhẹ mắt: “- Đi lễ í mà”, tôi phì cười vì cái giọng của nó. “- Ừ” tôi khẽ đáp lời nhỏ mà nghe trong lòng có điều gì lạ lắm.

Thế là ba năm Đông đi, đồng nghĩa với ba mùa Giáng sinh tôi đi lễ một mình. Ừ một mình thật. Đông đi, để lại không biết bao nhiêu kỉ niệm, mỗi lần vào lớp nhìn chỗ ngồi cũ mà bên cạnh không có Đông tôi cảm thấy như thiếu thiếu thế nào. Tôi nhớ như in ngày chia tay, vây quanh bạn bè Đông cười nói thật tươi và nhìn tôi không dặn dò, không lời chia tay lưu luyến, chỉ đơn sơ với câu nói bình thường “- Đông đi, Thy ở nhà học giỏi nghe…” chỉ thế thôi, tình bạn bình thường và giản đơn của thời sinh viên hoa mộng.

Thoáng cái đã ba năm trôi qua, không biết bây giờ ở nơi ấy Đông có nhớ đến trường, đến lớp không nữa. Tôi biết, tôi và Đông chỉ bình thường ở mức độ bình thường của cảm tình, thế mà… Thật vớ vẩn quá, từ nãy đến giờ tôi cứ để cho ý nghĩ dẫn dắt và giờ chỉ qua con hẽm nữa là đến nhà. Và đây rồi, nhà của tôi, mẹ - mẹ đang ngồi đấy nhặt lá khô rơi trên sân, đó là thói quen của mẹ, cứ mỗi độ Giáng sinh về mẹ vẫn làm thế, gom lá khô để đốt trong tiết trời se lạnh, và tôi nghĩ nếu Giáng sinh mà tôi không thấy mẹ ngồi đốt lá sẽ là một ngày vô nghĩa, có lẽ là thế và cũng giống như ly cà phê vô vị khi đi uống ngồi chẳng trúng chỗ bàn mình thích vậy.

Tôi dắt xe vào, mẹ cười hiền dịu “- Cơm mẹ để trên bàn đó...”

“- Dạ”. Tôi hỏi mẹ: “- Chị Khanh chưa về hả mẹ?”

“- Ừ”

“- Còn dĩ Trúc?” Tôi đứng đó chờ đợi.

“- Ra chợ rồi”, mẹ chậm rải nói.

Lẽ dĩ nhiên tôi cũng biết có bao giờ hai người ấy ở trong nhà đủ 6 tiếng đồng hồ đâu. Chỉ đến tận khuya mới về, sáng lại tiếp tục đi. Theo cách nói của chị Khanh thì đó là “cuộc hành trình dài”.

Tôi đến bàn, thức ăn để sẵn. Chà hôm nay ngon miệng đây, mẹ có để sẵn cả dưa hấu món mà tôi rất thích. Và… kìa cái gì thế? Tôi nhíu mày, hồi hộp… thư… của ai? Trong đầu tôi chợt nhớ: Giáng sinh. Có phải là…? Tôi rón rén, thấp thỏm. Trời ạ, thì ra của anh Minh gởi chị Khanh. Vậy mà tôi cứ tưởng… Rõ là ngớ ngẩn mà, tôi thấy như mình toát mồ hôi khi trời cuối Đông se lạnh. Tôi bật cười, cười vì điều ngố khi nãy và có điều gì đấy như hụt hẫng trong tâm hồn.

bendo1.jpg

Cơm xong tôi lên phòng. Ngoài cửa chậu Cúc vàng lên trong ánh nắng chiều. Hôm nay là 24 dương lịch chắc gì chị Khanh và dì Trúc sẽ về sớm. Mỗi lần xe đỗ trước nhà là mỗi lần chị Khanh được một “vệ sĩ” hộ tống và cứ thế tôi đếm không hết những “vệ sĩ” ấy. Chị sống gấp gáp, vội vã cứ như chị sợ mình sẽ già đi, sẽ không còn cơ hội và chị hay cú đầu tôi mỗi khi tôi hỏi, chị cứ luôn miệng: “- Mình còn trẻ thì phải sôi động lên, chứ cứ như mày chắc sớm thành lão mất”.

Nghĩ cũng lạ, mẹ sinh hai chị em mà tính tình như hai thái cực. Chị thì giống dì Trúc, vội vã, hấp tấp, lao đi lao về. Còn tôi cứ đi học rồi về… cứ thế đều đặn. Mẹ tôi hay nói, chị giống như một con thiêu thân con tôi là con Rùa suốt ngày không chui ra khỏi xó cửa. Lạ thật.

Chiều nay gió nhè nhẹ, đứng ở ban công ngắm ra ngoài trời có đám mây rất to và chốc chốc lại hiện ra hình ảnh cô gái nhỏ đang ngồi với chú chó con, chốc chốc lại thành con ngựa rồi đến những dãy núi cao thật cao… Tôi thích thú nhìn và nghĩ “không biết nơi ấy Đông có thấy những điều như mình không?” Ngốc thật… tôi thầm mắng mình.

Sáng nay tôi muốn khóc khi đi vào lớp học, chẳng hiểu vì sao nữa. Ba năm có là dài không nhỉ? Sinh viên năm ba, tôi và Đông có gọi là lớn chưa? Ba năm, chúng tôi vẫn đều đều gởi thư cho nhau, mỗi tháng một lá với lời động viên, thăm hỏi sức khoẻ, học hành. Thế thôi! Và mỗi năm cứ vào độ Giáng sinh tôi lại nhận hộp hoa cúc vàng ép khô ướp hương thơm ngát, tình bạn là thế đấy. Tôi nhớ năm học lớp mười hai tôi và Đông có đi Giáng sinh chung và tôi đã nhận bó hoa vàng ấy trong cái cười hồn nhiên của Đông, lúc ấy tôi ngây ngô vô cùng cứ bảo “- Mình ghét hoa này lắm”, còn Đông thì chẳng bực mà biện minh trong cái cười méo mó: “- Nhận đi, Đông chỉ còn đủ tiền mua hoa đó thôi” rồi cười và bỏ chạy để tôi bực tức hét to ở phía sau. Vậy mà hôm nay đã 24 rồi… sao tôi vẫn chưa nhận được gì nữa. Bác chuyển thư có bỏ quên ở nhà không? Thật vô lý khi mang thư cho chị Khanh mà không nhớ thư mình. Tôi vội chòm người ra cổng…

Mười giờ, mẹ vẫn chưa ngủ, cứ ngồi đấy nhóm lửa ở mép sân.

Tôi đến bên cạnh “- Sao mẹ không vào nhà đi”.

Mẹ không nhìn lên, thản nhiên “- Mẹ chờ chị và dì con”

“- Mẹ chờ làm gì, họ có khi nào về sớm, với lại đây đâu phải lần đầu”.

Mẹ vẫn thế, bình thản và chậm rải “- Tại con không biết mẹ đã chuẩn bị bữa tối đợi họ về ăn cho vui. Con không biết hôm nay là lễ à?”.

Tôi định nói nữa nhưng thấy mẹ kiên quyết và cứ ngồi đấy lấy cây khơi khơi đám lá đang cháy tôi lại thôi. Mẹ cứ thế, chờ đợi và chờ đợi. Mẹ đã chờ ba tôi suốt tám, chín năm trời vậy đó mà ba có về đâu. Ba tôi vẫn bặt tăm còn mẹ thì cứ chờ… Và bây giờ, chị Khanh lớn lên mẹ lại tiếp tục chờ đợi chị. Cả dì Trúc nữa, từ lúc ngoại mất đến giờ dì lại là một gánh nặng trên đôi vai của mẹ. Tôi thường nghe mẹ tâm sự với dì “- Em hãy chọn cho mình một người đi..”

Dì tôi cười xòa “- từ từ đã chị, thời gian còn dài mà…”.

Mẹ tôi lo ngại “- Em đâu còn nhỏ nhích gì nữa…”

“- Nhưng em không muốn như chị, đàn ông bây giờ không đáng tin,” dì lại nói tiếp “lấy chồng để ngồi đợi chờ thâu đêm suốt sáng hay sao, như chị đấy chị cứ ngồi chờ anh hai… vậy mà có kết quả gì đâu..”.

Mẹ tôi thở dài “- Nhưng chị lo cho em”.

Dì nhìn mẹ “- Chị đừng lo cho em, em đã lớn em biết tự nghĩ cho mình”.

Mẹ với dì Trúc cũng như tôi và chị Khanh, hai thái cực thật xa lạ mà trớ trêu cứ ở chung một môi trường mà lại hạn hẹp nữa chứ.

Bây giờ trước mắt tôi, mẹ vẫn ngồi đó chờ đợi. Tôi tự hỏi sao mẹ lại thế, chẳng lẽ cả cuộc đời của mẹ cứ như vậy mãi sao. Ôi, mẹ… tôi muốn ôm chầm lấy mẹ để khóc để hỏi mẹ thật nhiều, thật nhiều…

Có tiếng ồn ào ngoài cổng. Tiếng xe nổ ồn ào và chạy vù mất hút trong đêm “- Sao về trễ vậy con?” Mẹ đứng lên vào nhà, đám lửa lụi dần phía sau lưng, trơ lại đám than mong manh của những chiếc lá khô. Tôi theo sau, đầu lung tung khó hiểu.

“- Dì con chưa về”, mẹ nhìn chị Khanh ý chừng như hỏi chị có gặp dì ngoài phố không.

“- Con có thấy dì Trúc ở quán MC”, vừa tháo giày chị vừa nói.

Mẹ thở dài, gió khẽ len vào ô cửa sổ se lạnh.

“- Các con vào cắt bánh ăn đi” mẹ yếu ớt báo. Tôi lưỡng lự “- Mẹ không chờ…”.

“- Không, biết khi nào về mà chờ…”

Chị Khanh mở to mắt nhìn “- Bánh gì vậy mẹ, con ăn với từ sáng tới giờ toàn uống chứ chẳng ăn gì, con đói quá”. Nói xong chị chạy lại bàn cắt bánh ăn vô tư. Mẹ lắc đầu, tôi mang ra cho mẹ một miếng hai mẹ con cùng ăn, bánh ngọt thật nhưng hình như có vị socola đăng đắng.

Lên phòng, tôi nằm xuống trùm mền kín mít, tiếng nước xả ào ào làm tôi bật dậy:

“- Chị có thấy gì chưa chị Khanh”

“- Thấy gì vậy nhóc?”

“- Thư của anh Minh gởi chị đó.”

“- Vậy hả?”. Một phút im lặng, chị tiếp “- Ở đâu?”

“- Trên bàn đó”. Sau một lúc lâu tôi hỏi “- Chị không đọc hả?”

“- Mai đã” chị đáp.

Tôi giật mình “- Chị lạ thật, chứ như em là em đọc liền bây giờ”.

“- Cần gì. Mai đọc cũng chả sao”

Tôi ngạc nhiên “- Chị không chờ thư anh Minh sao?”

“- Chờ làm gì?” chị muốn nổi cáu.

Tôi vẫn không chịu được và hỏi tiếp: “- Chị không yêu anh ấy nữa hả?”

“- Yêu ổng tao sẽ được cái gì. Cuộc sống lênh đênh của ổng sẽ làm tao khổ thêm thôi.”

“- Nhưng chị  và ảnh hứa sẽ cưới nhau kia mà.”

“- Cưới để cạp đất mà ăn hả… thôi ngủ đi mày biết cái gì.”

Rồi chị quay sang phía khác, bỏ mặc tôi với muôn ngàn ý nghĩ. Tôi thấy tội cho anh Minh quá. Chị Khanh đã thay đổi. Tôi nghĩ chị đi chơi giao du rộng cốt để vui vì xa anh Minh chị buồn. Nhưng tình cảm hai người sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Cả nhà tôi đã biết điều ấy và mẹ cũng rất quý anh Minh, vậy mà bây giờ… Tình yêu suốt bao năm gắn chặt chẳng có chút gì rạn nứt thế đó mà lại tan đi. Hay chính cái bằng phẳng trong tình cảm đã dẫn đến chán nản và đổi thay, hay do cuộc sống nhộn nhịp xô bồ mà lòng ngươì dời đổi? Bỗng dưng tôi thấy mình như nghẹn thở khi thoáng nghĩ đến Đông… mình và Đông rồi sẽ ra sao? Lại nữa rồi, tôi thầm nhủ “mình và Đông đã là gì đâu mà cứ nghĩ vẩn vơ”.

Hôm nay Giáng sinh, cũng nhằm ngày chúa nhật, mọi ngườ tấp nập đi chơi đi lễ… còn tôi cứ ra vào, hết xuống sân lại ra vườn. Thật khó chịu. Lên phòng tôi lôi ra một đóng quà và một xấp thư dày cộm, hoa cúc ép khô, những tấm thiệp còn nguyên màu mực… của Đông đấy, tôi nghe có vị mằn mặn trên bờ môi mình.

Chiều. Nhỏ Hương chạy sang rủ đi lễ, tôi cũng chẳng thiết tha gì nhưng vì lỡ hứa nên phải đi. Giữa những con đường đông nghịt người mà tôi ngỡ như chẳng có ai. Hương quay sang “- Sao mày buồn dữ ạ?”

“- Đâu có gì” tôi lờ đi. Nó cũng đâu vừa “- Mày nhớ ai hả, có nhận được thư Đông chưa?”

Tôi muốn đổ quạu “- Thôi, thư từ gì…” Nó nhìn tôi cười, con nhỏ gì đâu mà thích cười.

“- Thằng bên lớp Toán bảo tao làm mai mày cho nó, mày nghĩ sao?”

“- Trời trời có chuyện đó nữa hả? Cho tao xin đi.”

Nó ngắt lời “- Thì mày chưa có bồ, vả lại cũng lớn chuyện đó có gì lạ đâu.”

“- Tao chưa có bồ?”

“- Ừ” nhỏ đáp tỉnh queo.

Mà thật sự tôi chẳng có người yêu. Còn Đông, Đông là gì của tôi. Tôi nhìn nhỏ Hương cười quê quê. Nó cũng cười đáp lại và tự dưng tôi sượng sùng với nhỏ quá.

Đến cổng, tôi không vào mà lòng vòng bên ngoài nhà thờ. Như đã hẹn từ lúc nào, Tuấn đang đợi Hương ở phía cổng chính. Tôi đã biết ý đồ của nhỏ, đi với bồ mà còn dẫn mình theo làm gì không biết.

Tôi bước đến “- Đợi Hương hả?”.

Tuấn cười “-  Đợi hai người nãy giờ.”

“- Thôi đi ông, đợi Hương thì nói đại đi.”

Hắn cười thẹn “ - Thật mà.”

Tôi quay sang Hương “- 9 giờ tao ở đây chờ mày”, tôi quay đi khi hai đứa réo inh ỏi, tôi thầm cười “hai đứa bây thật quỷ còn làm bộ nữa.”

Bài thánh ca vang vang từ khu giáo đường, tôi lòng vòng giữa dòng người tấp nập. Chợt tôi lóe lên suy nghĩ sao mình không vào cầu nguyện nhỉ? Vừa nghĩ, chân tôi đã vào thánh đường, mọi người quỳ đó nghe kinh và xin chúa rửa tội. Tôi cũng quỳ nhưng chẳng biết mình cầu gì. Cầu học hành ư? Hay cầu sức khoẻ cho mẹ, hay.. tôi thấy rối tung trong suy nghĩ… và bỗng nhiên tôi nghĩ đến Đông, tôi hồi hộp và thổn thức. Có tiếng ai thì thầm bên tai, cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi mở mắt bực tức quay sang. Thật không ngờ… sao lại là Đông. Tôi thừ người, trố mắt. Hắn cười..

“- Sao trố mắt to dữ vậy, không chào Đông hay sao?”

“- Đông về khi nào?” Tôi hỏi trong lúc chưa lấy lại bình tĩnh.

“- Hôm kia” Đông đáp.

Đông kéo tôi ra ngoài, bài thánh ca vẫn vang lên trong tiết trời se lạnh. Trong lòng tôi như lửa đốt, chằn chịt những câu hỏi. Một lúc lâu hắn nhìn tôi “- Sao Thy im lặng vậy, không trả lời đi.”

“- Trả lời gì?”

“- Vậy từ nãy đến giờ Đông hỏi mà Thy không nghe hả?”

Tôi lấy lại bình tĩnh, nhìn Đông cười “Đâu có…”

“- Vậy sao không trả lời” Đông cười tít mắt. Và tôi chợt nhận ra Đông cao hơn trước nhiều. Vẫn là Đông mà sao tôi thấy như khác hẳn. Thấy tôi im lặng Đông nhắc lại câu hỏi: “- Mấy năm nay Thy vẫn đi lễ chứ?”

“- Ừ”

“- Thy đi với ai?”

Tôi thoáng bực mình, sao lại với ai, không có Đông tôi đi với ai chứ. Tôi thẩn thờ người mà đáp: “- Thy đi một mình”.

“- Một mình?” Hắn nhắc lại câu hỏi và đứng lại nhìn tôi vẻ chờ đợi. Tôi gật đầu và lại tiếp tục nhận ra một điều: Đông có đôi mắt to và đen láy. Tôi cúi mặt, đi tiếp trong lòng rối bời…

“- Vậy Thy có cầu nguyện gì không?” và tiếp tục nhìn tôi “- đừng nói là không nhé, khi nãy Đông thấy Thy vào thánh đường quỳ gối rất thành khẩn đó nghe”.

Tôi bối rối trước cái nhìn của Đông, những sợi tóc lòa xòa trước trán, đôi mắt mở to nhìn tôi, tôi chợt trả lời Đông như một cổ máy “- Thy cầu cho Đông mau trở về”.

Và tôi hỏi “- Còn Đông thì sao?”

“- Đông hả, Đông cũng đi lễ với bạn bè và chẳng cầu điều gì cả”.

Tôi hụt hẫng hoàn toàn, tôi trách mình: mày thấy chưa Thy người ta có nghĩ gì đến mày đâu, mày chỉ là con bé tội nghiệp, con bé khờ khạo, ngốc nghếch.

Đến dãy phố bán hàng lưu niệm Đông ghé vào mang ra một bó Cúc vàng tươi đặt vào tay tôi mĩm cười. “Thật đáng ghét”, tôi nghĩ thầm và cảm giác như sống mũi cay cay. Tôi quay sang chỗ khác khi giọt nước mắt kịp rơi trên đoá hoa Cúc to nhất trong bó. Đông như đã thấy, khẽ đặt tay lên vai kéo tôi quay về phía Đông. Đông cúi xuống nói khẽ “- Sao Thy lại khóc? Đông về Thy không vui sao?”

Tôi im lặng gần như nín thở. Tự dưng tôi nghe có luồn cảm giác ấm nóng nơi bàn tay mình. Tay tôi đã nằm gọn trong tay Đông, ánh mắt Đông dịu dàng nhìn tôi “- Thy biết không tuy ở nơi ấy vui vì có ba mẹ nhưng không có Thy và các bạn Đông tưởng là một nơi hoang vắng. Ba mùa Giáng sinh qua không một ý nghĩa với Đông. Và Đông nghĩ sao mình không cầu nguyện… và Đông đã cầu. Thy có biết Đông cầu gì không?”.

“- Đông cầu gì?” Tôi chợt loé lên niềm vui.

“- Đông cầu… cầu cho Thy vẫn còn một mình”.

Tôi giật mình “- Bộ Đông muốn cho Thy cô đơn đến chết hay sao?”

Đông nghiêm nghị “- Thy sẽ không cô đơn đâu…”

Tôi phì cười “- Chứ cầu cho Thy một mình không cô đơn là gì?”

“- Thy sẽ không cô đơn, Đông khẳng định là vậy. Thy không nhìn thấy điều đó trong mắt Đông sao?” Một lần nữa tôi lại có cảm giác ấm nóng từ tay mình trong đêm mùa Đông giá lạnh.

Thế là tôi cũng không hoài công khi đợi Đông về. Rốt cuộc tôi cũng là một sân ga cho Đông. Tôi nhắm nghiền mắt thấy hoa Cúc vàng biến thành những cánh hoa đỏ thắm. Và tôi thấy mẹ u buồn ngồi đốt lá, chị Khanh cứ vô tư đi về và dì Trúc cũng thế, bỏ hoang cuộc đời. Bài Thánh ca nơi giáo đường đã dứt, đêm đã khuya chúng tôi ra về. Đông nhìn lên bầu trời “- vì sao kia là Đông còn bên cạnh là Thy” rồi nháy mắt cười. Tôi nghe hồn mình ấm lạ…

Là sinh viên Văn khoa ai cũng có dòng suy nghĩ rất lãng mạn và tôi day dứt lòng khi nhìn sắc phượng đỏ rực trước sân. Năm cuối rồi, đồng nghĩa với việc mình sẽ rời trường lớp, chẳng còn có cơ hội mặc áo sinh viên. Nhìn tán phượng già khoe màu đỏ rực như đốt lửa một vùng trời, tôi nhớ Đông vô hạn. Bây giờ anh cũng đang tất bật với luận án tốt nghiệp và tôi biết nơi ấy làm gì có hoa phượng để anh nhìn. Như thế cũng tốt thôi vì Đông sẽ đỡ buồn hơn, còn tôi cũng chẳng buồn mà sao mắt nhòe đi (có lẽ gió rít làm cay mắt). Cuối năm học này tôi ra trường, tôi sẽ là cô giáo dạy Văn, và tôi biết mình sẽ cố gắng làm một nơi cho mẹ, mẹ sẽ là tất cả trong cuộc đời tôi và… Đông nữa. Tôi sẽ cố gắng xoay chuyển số phận, đâu phải ai sinh ra trên đời này, ngay thời đại vi tính cũng đều như chị Khanh thực hiện “những cuộc hành trình dài” đâu. Và tôi tin điều đó như tôi tin Đông vậy.

Tháng Tám Đông sẽ về, chúng tôi sẽ đi dạo quanh vườn hoa Cúc ở dãy đường Điện Biên, và dĩ nhiên đóa hoa Cúc sẽ đặt dưới cành Hồng đỏ thắm. Tôi luôn nhủ: mình sẽ là bến đỗ cho Đông, chuyến tàu ấy sẽ trở về sao bao ngày lênh đênh. Tôi tin lắm. Trước mắt tôi gốc phượng buồn trơ trọi và dường như Đông đứng đấy vẫy vẫy tay, phỉ không nhỉ? Hừ, tháng Tám Đông mới về kia mà…

Nguồn bài viết: Yume

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT