Cấp bậc tác giả:

Tin Tức Công Nghệ

Những cơ hội cho lập trình viên di động Việt Nam

Được viết bởi QuangIT ngày 14/03/2014 lúc 06:20 AM
Đừng chạy theo xu hướng mà hãy tạo ra xu hướng mới là một trong những chia sẻ rất tâm huyết của các vị khách mời tại buổi tọa đàm “Để $$$ mọc lên từ bàn phím như Flappy Bird, dễ hay khó?”…

Những cơ hội cho lập trình viên di động Việt Nam

Không gian khá khiêm tốn của VTC Academy được hâm nóng bởi hàng loạt tràng vỗ tay từ các bạn trẻ đam mê lập trình di động. Ba vị khách mời trong buổi tọa đàm “Để $$$ mọc lên từ bàn phím như Flappy Bird, dễ hay khó?” đã lần lượt mang trải nghiệm của mình chia sẻ với các sinh viên ngành công nghệ. Đều là những người đang sở hữu những sản phẩm khá thành công, các khách mời đã phân tích hiện tượng Flappy Bird dưới các góc nhìn khác nhau.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng, Flappy Bird đã mở ra đường đi hoàn toàn mới khi một game do người Việt viết nên đã thành công vang dội mà không cần những đồ họa khủng, không cần gameplay phức tạp. Cả ba khách mời đều có ý kiến rằng, thời điểm này chính là cơ hội cho các lập trình viên Việt Nam vươn ra quốc tế.

lap-trinh-vien-di-dong_01.JPG

Rất nhiều sinh viên IT đã thỏa lòng khi thu được nhiều kinh nghiệm quý báu từ buổi tọa đàm về lập trình di động tối ngày 12/3/2014.

Theo anh Hoàng Văn Hậu, giám đốc Công ty Phần mềm Trường Hậu, chủ sở hữu phần mềm Ping Taxi, từ khi Flappy Bird nổi tiếng, công ty của anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng những phần mềm đơn giản từ các tổ chức trên thế giới (trước đây họ ít khi chọn đối tác là Việt Nam). Theo anh, Flappy Bird khiến thế giới đánh giá cao sự sáng tạo, “quái dị” của người Việt trong những ứng dụng đơn giản, vô tình tạo ra một cơ hội lớn cho thế hệ lập trình viên Việt Nam thời gian tới.
Đề cao ý tưởng đơn giản của game, nhưng anh Hậu cũng nhấn mạnh rằng Nguyễn Hà Đông đã làm hàng trăm game, chỉ đi theo một con đường duy nhất là đơn giản, dễ lập trình. Để có một ý tưởng thành công, có hàng trăm ý tưởng khác thất bại. Để có một Flappy Bird thành công, đã cả trăm sản phẩm thất bại khác, nhưng Đông vẫn kiên trì. “Phải có một lý do để ta tiếp tục theo đuổi quan điểm của mình, và lý do đó phải đủ vững chắc. Vậy đừng bao giờ từ bỏ dù người khác có nói gì đi nữa” - anh Hậu nói. 

lap-trinh-vien-di-dong_02.JPG
Khách mời Hoàng Văn Hậu chia sẻ tại tọa đàm.

 Anh cũng khuyến khích lập trình viên nắm chắc các ngôn ngữ bậc thấp (ngôn ngữ cơ bản) như C, vì đây chính là cơ sở để làm mọi việc. Ngoài ra nên đầu tư vào lập trình trên nền tảng iOS vì hiện nay Việt Nam đang rất thiếu nhân lực mảng này.
Cao trào của buổi tọa đàm là câu hỏi “Một lập trình viên phải làm sao khi xu hướng thế giới thay đổi hàng ngày”. Ý kiến của anh Đào Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giải trí di động thuộc VTC Mobile đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ: “Đừng chạy theo xu hướng, muốn thật sự thành công, các bạn hãy tạo ra xu hướng”.
Đứng trên quan điểm của một nhà phát hành tìm cách “đưa sản phẩm tới người dùng”, anh Tuấn đã chia sẻ kinh nghiệm trong cách tiếp cận tập khách hàng, phân tích sản phẩm, “mẹo” đưa ứng dụng lên Top download của các chợ ứng dụng. Và nên tận dụng Facebook trên di động- một công cụ để “đẩy” sản phẩm đang rất phổ biến và hữu ích.

lap-trinh-vien-di-dong_03.JPG
Khách mời Cao Văn Tuấn.
 
Lấy chính sản phẩm “ruột” do công ty anh phát hành làm ví dụ, anh Tuấn cho hay sự lan tỏa truyền thông cho Au Mobile (mobile game âm nhạc đang cực kì được ưa chuộng tại Việt Nam) là rất tự nhiên. Ban đầu ta cần “mồi” người chơi bằng những quà tặng trong game, hoặc những lợi ích hấp dẫn khác, từ đó họ sẽ “share” trên Facebook, và hiệu ứng cứ như vậy lan truyền. Chính người chơi đã quảng cáo rất tự nhiên, điều này còn hiệu quả hơn nhiều so với bỏ tiền quảng cáo.
 
Tuy nhiên, bản thân game phải đủ hay để người chơi thích. Anh Tuấn cũng đề xuất rằng, các bạn nên thử bắt đầu với việc “nhái” lại các game hay, từ đó sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trước khi bắt đầu sản phẩm của chính mình. Việc phối hợp với 1 công ty phần mềm trung gian cũng là một hướng đi tốt, khi đó các bạn có rất nhiều người hỗ trợ về ý tưởng hay nghiên cứu thị trường, phân tích khách hàng....
Trái với sự từng trải, dày dặn của hai khách mời trước, Cao Văn Hoàng, khách mời trẻ tuổi nhất (sinh năm 1993) lại đem tới sự gần gũi với sinh viên, khi đứng trên góc nhìn sản phẩm của chính… người chơi. Tuy mới 22 tuổi anh Hoàng đã sở hữu một số ứng dụng di động đem về 1500 USD /tháng, nhưng điều quan trọng là tất cả sự thành công của anh đều xuất phát từ đam mê.
Theo lời nói của Hoàng, ý tưởng những sản phẩm đang rất được ưa chuộng của anh như GPS Map, GIF camera... đều xuất phát từ cách tự đặtmình vào vị trí người dùng. Chia sẻ vui về việc “mê game”, anh cho biết: “Đam mê sẽ giúp tạo nên ý tưởng, quan trọng là cần hoàn thiện khả năng để hiện thực hóa ý tưởng”. Anh cũng đồng tình với ý kiến muốn thật sự thành công, lập trình viên phải tạo ra xu hướng, những game kinh điển như Fruit Ninja, Angry Bird, hay chính Flappy Bird đều như vậy.
Tuy chỉ diễn ra vỏn vẹn hơn hai tiếng và còn rất nhiều câu hỏi “chờ” giải đáp. Một số sinh viên cho biết đã tìm ra con đường cho chính mình trong tương lai, một số bạn khác khẳng định chỉ trong thời gian không lâu nữa, họ sẽ kiếm tiền thậm chí còn nhiều hơn từ bàn phím.

Nguồn bài viết: VNMEDIA

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT