Cấp bậc tác giả:

TRAINING

Những khái niệm cơ bản của lập trình hướng đối tượng

Được viết bởi webmaster ngày 21/09/2013 lúc 12:26 AM
Trong lập trình hướng đối tượng, tất cả các thực thể trong hệ thống đều được coi là các đối tượng cụ thể. Đối tượng là một thực thể hoạt động khi chương trình đang chạy.
  • 0
  • 8265

Những khái niệm cơ bản của lập trình hướng đối tượng

Trích:
Các khái niệm cơ bản của lập trình hướng đối tượng(9 khái niệm):
• Đối tượng
• Lớp đối tượng
• Việc trừu tượng hoá đối tượng theo chức năng
• Trừu tượng hoá đối tượng theo dữ liệu
• Kế thừa
• Đóng gói
• Đa hình
• Phương pháp cài đặt lớp đối tượng
• Giới thiệu một số ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng thông dụng hiện nay.
1 Đối tượng
Trong lập trình hướng đối tượng, tất cả các thực thể trong hệ thống đều được coi là các đối tượng cụ thể. Đối tượng là một thực thể hoạt động khi chương trình đang chạy.
Ví dụ:
1. Trong bài toán quản lí buôn bán xe hơi của một cửa hàng kinh doanh, mỗi chiếc xe đang có mặt trong cửa hàng được coi là một đối tượng. Chẳng hạn, một chiếc xe nhãn hiệu “Ford”, màu trắng, giá 5000$ là một đối tượng.
2. Trong bài toán quản lí nhân viên của một văn phòng, mỗi nhân viên trong văn phòng được coi là một đối tượng. Chẳng hạn, nhân viên tên là “Vinh”, 25 tuổi làm ở phòng hành chính là một đối tượng.
Một đối tượng là một thực thể đang tồn tại trong hệ thống và được xác định bằng ba yếu tố:
• Định danh đối tượng: xác định duy nhất cho mỗi đối tượng trong hệ thống, nhằm phân biệt các đối tượng với nhau.
• Trạng thái của đối tượng: là sự tổ hợp của các giá trị của các thuộc tính mà đối tượng đang có.
• Hoạt động của đối tượng: là các hành động mà đối tượng có khả năng thực hiện được.
Trạng thái hiện tại của đối tượng qui định tính chất đặc trưng của đối tượng. Ví dụ, nhân viên trong ví dụ trên có trạng thái là:
• Tên là Vinh
• Tuổi là 25
• Vị trí làm việc là phòng hành chính.

Trong khi đó, trạng thái của chiếc xe trong cửa hàng là:
• Nhãn hiệu xe là Ford
• Màu sơn xe là trắng
• Giá bán xe là 5000$
Mỗi đối tượng sẽ thực hiện một số hành động. Ví dụ, đối tượng xe hơi có khả năng thực hiện những hành động sau:
• Khởi động.
• Dừng lại.
• Chạy.
Để biểu diễn đối tượng trong lập trình hướng đối tượng, người ta trừu tượng hoá đối tượng để tạo nên khái niệm lớp đối tượng.

2. Lớp đối tượng
Trong lập trình hướng đối tượng, đối tượng là một thực thể cụ thể, tồn tại trong hệ thống. Trong khi đó, lớp là một khái niệm trừu tượng, dùng để chỉ một tập hợp các đối tượng có mặt trong hệ thống.
Ví dụ:
1. Trong bài toán quản lí buôn bán xe hơi của một cửa hàng kinh doanh, mỗi chiếc xe đang có mặt trong cửa hàng được coi là một đối tượng. Nhưng khái niệm “Xe hơi” là một lớp đối tượng dùng để chỉ tất cả các loại xe hơi của của hàng.
2. Trong bài toán quản lí nhân viên của một văn phòng, mỗi nhân viên trong văn phòng được coi là một đối tượng. Nhưng khái niệm “Nhân viên” là một lớp đối tượng dùng để chỉ chung chung các nhân viên của văn phòng.
Lưu ý:
• Lớp là một khái niệm, mang tính trừu tượng, dùng để biểu diễn một tập các đối tượng.
• Đối tượng là một thể hiện cụ thể của lớp, là một thực thể tồn tại trong hệ thống.
Lớp được dùng để biểu diễn đối tượng, cho nên lớp cũng có thuộc tính và phương thức:
• Thuộc tính của lớp tương ứng với thuộc tính của các đối tượng.
• Phương thức của lớp tương ứng với các hành động của đối tượng.
Ví dụ, lớp xe ô tô được mô tả bằng các thuộc tính và phương thức:
Trích:
Lớp Xe ô tô
Thuộc tính:
Nhãn hiệu xe
Màu xe
Giá xe
Công suất xe (mã lực)
Phương thức:
Khởi động xe
Chạy xe
Dừng xe
Tắt máy
Lưu ý:
Một lớp có thể có một trong các khả năng sau:
• Hoặc chỉ có thuộc tính, không có phương thức.
• Hoặc chỉ có phương thức, không có thuộc tính.
• Hoặc có cả thuộc tính và phương thức, trường hợp này là phổ biến nhất.
• Đặc biệt, lớp không có thuộc tính và phương thức nào là các lớp trừu tượng. Các lớp này không có đối tượng tương ứng.
Lớp và Đối tượng
Lớp và đối tượng, mặc dù có mối liên hệ tương ứng lẫn nhau, nhưng bản chất lại khác nhau:
• Lớp là sự trừu tượng hoá của các đối tượng. Trong khi đó, đối tượng là một thể hiện của lớp.
• Đối tượng là một thực thể cụ thể, có thực, tồn tại trong hệ thống. Trong khi đó, lớp là một khái niệm trừu tượng, chỉ tồn tại ở dạng khái niệm để mô tả các đặc tính chung của một số đối tượng.
• Tất cả các đối tượng thuộc về cùng một lớp có cùng các thuộc tính và các phương thức.
• Một lớp là một nguyên mẫu của một đối tượng. Nó xác định các hành động khả thi và các thuộc tính cần thiết cho một nhóm các đối tượng cụ thể.
Nói chung, lớp là khái niệm tồn tại khi phát triển hệ thống, mang tính khái niệm, trừu tượng.
Trong khi đó, đối tượng là một thực thể cụ thể tồn tại khi hệ thống đang hoạt động.

3 Trừu tượng hoá đối tượng theo chức năng
Trừu tượng hoá đối tượng theo chức năng chính là quá trình mô hình hoá phương thức của lớp dựa trên các hành động của các đối tượng. Quá trình này được tiến hành như sau:
• Tập hợp tất cả các hành động có thể có của các đối tượng.
• Nhóm các đối tượng có các hoạt động tương tự nhau, loại bỏ bớt các hoạt động cá biệt, tạo thành một nhóm chung.
• Mỗi nhóm đối tượng đề xuất một lớp tương ứng.
• Các hành động chung của nhóm đối tượng sẽ cấu thành các phương thức của lớp tương ứng.
Ví dụ, trong bài toán quản lí cửa hàng bán ô tô. Mỗi ô tô có mặt trong của hàng là một đối tượng.
Mặc dù mỗi chiếc xe có một số đặc điểm khác nhau về nhãn hiệu, giá xe, màu sắc… nhưng có chung các hành động của một chiếc xe ô tô là:
• Có thể khởi động máy.
• Có thể chạy.
• Có thể dừng lại.
• Có thể tắt máy.

Ngoài ra, một số ít xe có thể thực hiện một số hành động cá biệt như:
• Có thể giấu đèn pha
• Có thể tự bật đèn pha
• Có thể tự động phát tín hiệu báo động.
Tuy nhiên, không phải xe nào cũng thực hiện được các hành động này. Cho nên ta loại bỏ các hành động cá biệt của một số xe, chỉ giữ lại các hành động chung nhất, để mô hình thành các phương thức của đối tượng xe ô tô tương ứng với các hành động chung nhất của các xe ô tô.
Trích:
Lớp Xe ô tô
Phương thức:
Khởi động xe
Chạy xe
Dừng xe
Tắt máy
4 Trừu tượng hoá đối tượng theo dữ liệu:
Trừu tượng hoá đối tượng theo dữ liệu chính là quá trình mô hình hoá các thuộc tính của lớp dựa trên các thuộc tính của các đối tượng tương ứng. Quá trình này được tiến hành như sau:
• Tập hợp tất cả các thuộc tính có thể có của các đối tượng.
• Nhóm các đối tượng có các thuộc tính tương tự nhau, loại bỏ bớt các thuộc tính cá biệt, tạo thành một nhóm chung.
• Mỗi nhóm đối tượng đề xuất một lớp tương ứng.
• Các thuộc tính chung của nhóm đối tượng sẽ cấu thành các thuộc tính tương ứng của lớp được đề xuất.
Ví dụ, trong bài toán quản lí cửa hàng bán ô tô. Mỗi ô tô có mặt trong của hàng là một đối tượng.
Mặc dù mỗi chiếc xe có một số đặc điểm khác nhau về nhãn hiệu, giá xe, màu sắc… nhưng có chung các thuộc tính của một chiếc xe ô tô là:
• Các xe đều có nhãn hiệu.
• Các xe đều có màu sắc
• Các xe đều có giá bán
• Các xe đều có công suất động cơ
Ngoài ra, một số ít xe có thể có thêm các thuộc tính:
• Có xe có thể có dàn nghe nhạc
• Có xe có thể có màn hình xem ti vi
• Có xe có lắp kính chống nắng, chống đạn…
Tuy nhiên, đây là các thuộc tính cá biệt của một số đối tượng xe, nên không được đề xuất thành thuộc tính của lớp ô tô. Do đó, ta mô hình lớp ô tô với các thuộc tính chung nhất của các ô tô.
Trích:
Lớp Xe ô tô
Thuộc tính:
Nhãn hiệu xe
Màu xe
Giá xe
Công suất xe (mã lực)
Ưu điểm của việc trừu tượng hóa
Những ưu điểm của việc trừu tượng hóa là:
• Tập trung vào vấn đề cần quan tâm
• Xác định những đặc tính thiết yếu và những hành động cần thiết
• Giảm thiểu những chi tiết không cần thiết
Việc trừu tượng hóa dữ liệu là cần thiết, bởi vì không thể mô tả tất cả các hành động và các thuộc tính của một thực thể. Vấn đề mấu chốt là tập trung đến những hành vi cốt yếu và áp dụng chúng trong ứng dụng.

5 Khái niệm kế thừa:
Xét trường hợp bài toán quản lí nhân sự và sinh viên của một trường đại học. Khi đó, ta có hai lớp đối tượng chính là lớp Nhân viên và lớp Sinh viên:
[TABLE]Lớp Nhân viên | Lớp Sinh viên
Thuộc tính: | Thuộc tính:
Tên | Tên
Ngày sinh | Ngày sinh 
Giới tính | Giới tính
Lương | Lớp
Phương thức: | Phương thức:
Nhập/xem tên | Nhập/xem tên
Nhập/xem ngày sinh | Nhập/xem ngày sinh
Nhập/xem giới tính | Nhập/xem giới tính
Nhập/xem lương | Nhập/xem lớp[/TABLE]
Ta nhận thấy rằng hai lớp này có một số thuộc tính và phương thức chung: tên, ngày sinh, giới tính. Tuy nhiên, không thể loại bỏ các thuộc tính cá biệt để gộp chúng thành một lớp duy nhất, vì các thuộc tính lương nhân viên và lớp của sinh viên là cần thiết cho việc quản lí. Vấn đề nảy sinh như sau:
• Ta phải viết mã trùng nhau đến hai lần cho các phương thức: nhập/xem tên, nhập/xem ngày sinh, nhập/xem giới tính. Rõ ràng điều này rất tốn công sức.
• Nếu khi có sự thay đổi về kiểu dữ liệu, chẳng hạn kiểu ngày sinh được quản lí trong hệ thống, ta phải sửa lại chương trình hai lần.
Để tránh rắc rối do các vấn đề nảy sinh như vậy, lập trình hướng đối tượng sử dụng kỹ thuật kế thừa nhằm nhóm các phần giống nhau của các lớp thành một lớp mới, sau đó cho các lớp ban đầu kế thừa lại lớp được tạo ra. Như vậy, mỗi lớp thừa kế (lớp dẫn xuất, lớp con) đều có các thuộc tính và phương thức của lớp bị thừa kế (lớp cơ sở, lớp cha).
Quay lại với bài toán quản lí trường đại học, các thuộc tính và phương thức chung giứa lớp Nhân viên và lớp Sinh viên là:
• Tên,
• Ngày sinh,
• Giới tính,
• Nhập/xem tên,
• Nhập/xem ngày sinh
• Nhập/xem giới tính.
Ta tách phần chung này thành một lớp ở mức trừu tượng cao hơn, lớp Người. Lớp Người sẽ làm lớp cha của lớp Nhân viên và lớp Sinh viên. Khi đó, các lớp trở thành:

[TABLE]Lớp Người
Thuộc tính:
Tên
Ngày sinh
Giới tính
Phương thức:
Nhập/xem tên
Nhập/xem ngày sinh
Nhập/xem giới tính[/TABLE]
[TABLE]Lớp Nhân viên kế thừa từ lớp Người | Lớp Sinh viên kế thừa từ lớp Người
Thuộc tính: | Thuộc tính: 
Lương | Lớp
Phương thức: | Phương thức:
Nhập/xem lương | Nhập/xem lớp[/TABLE]
Như vậy, sự kế thừa trong lập trình hướng đối tượng:
• Cho phép lớp dẫn xuất có thể sử dụng các thuộc tính và phương thức của lớp cơ sở tương tự như sử dụng các thuộc tính và phương thức của mình.
• Cho phép việc chỉ cần cài đặt phương thức ở một lớp cơ sở, mà có thể sử dụng được ở tất cả các lớp dẫn xuất.
• Cho phép tránh sự cài đặt trùng lặp mã nguồn của chương trình.
• Cho phép chỉ phải thay đổi một lần khi cần phải thay đổi dữ liệu của các lớp.

6 Khái niệm đóng gói:
Xét ví dụ bài toán quản lí nhân viên văn phòng với lớp Nhân viên như sau:
[TABLE]Lớp Nhân viên
Thuộc tính:
Tên
Ngày sinh
Giới tính
Phòng ban
Hệ số lương
Phương thức:
Tính lương nhân viên[/TABLE]
Khi đó, cách tính lương cho nhân viên là khác nhau đối với mỗi người:
<Tiền lương> = <Hệ số lương> * <Lương cơ bản> * <Tỉ lệ phần trăm>
Trong đó, tỉ lệ phần trăm là khác nhau cho mỗi phòng ban, ví dụ:
• Phòng kế hoạch là 105%
• Phòng hành chính là 100%
• Phòng nhân sự là 110%
Khi đó, tuỳ vào thuộc tính phòng ban khác nhau mà ta phải dùng công thức tỉ lệ khác nhau để tính lương cho mỗi nhân viên.
Tuy nhiên, cách tính cụ thể này là công việc bên trong của phương thức tính tiền lương của lớp Nhân viên. Với mỗi ứng dụng, khi tạo một đối tượng cụ thể của lớp nhân viên, ta chỉ cần truyền các tham số thuộc tính cho đối tượng, sau đó gọi phương thức tính tiền lương cho đối tượng nhân viên đó, ta sẽ biết được tiền lương của nhân viên. Cách gọi phương thức tính tiền lương là hoàn toàn giống nhau cho tất cả các đối tượng nhân viên của văn phòng.
Sự giống nhau về cách sử dụng phương thức cho các đối tượng của cùng một lớp, mặc dù bên trong phương thức có các cách tính toán khác nhau với các đối tương khác nhau, được gọi là tính đóng gói dữ liệu của lập trình hướng đối tượng. Như vậy, tính đóng gói dữ liệu của lập trình hướng đối tượng:
• Cho phép che dấu sự cài đặt chi tiết bên trong của phương thức. Khi sử dụng chỉ cần gọi các phương thức theo một cách thống nhất, mặc dù các phương thức có thể được cài đặt khác nhau cho các trường hợp khác nhau.
• Cho phép che dấu dữ liệu bên trong của đối tượng. Khi sử dụng, ta không biết được thực sự bên trong đối tượng có những gì, ta chỉ thấy được những gì đối tượng cho phép truy nhập vào.
• Cho phép hạn chế tối đa việc sửa lại mã chương trình. Khi phải thay đổi công thức tính toán của một phương thức, ta chỉ cần thay đổi mã bên trong của phương thức, mà không phải thay đổi các chương trình gọi đến phương thức bị thay đổi.

7. Khái niệm đa hình
Trở lại với ví dụ về quản lí trường đại học, với hai lớp Nhân viên và lớp Sinh viên, đều kế thừa từ lớp Người. Khi đó, ta thêm vào mỗi lớp một phương thức show():
• Phương thức show của lớp Người sẽ giới thiệu tên và tuổi của người đó.
• Phương thức show của lớp Nhân viên sẽ giới thiệu nhân viên đó có tiền lương là bao nhiêu
• Phương thức show của lớp Sinh viên sẽ giới thiệu là sinh viên đó đang học ở lớp nào.
[TABLE]Lớp Người
Thuộc tính:
Tên
Ngày sinh
Giới tính
Phương thức:
Nhập/xem tên
Nhập/xem ngày sinh
Nhập/xem giới tính
show
[/TABLE]
[TABLE]Lớp Nhân viên kế thừa từ lớp Người | Lớp Sinh viên kế thừa từ lớp Người
Thuộc tính: | Thuộc tính:
Lương | Lớp
Phương thức: | Phương thức:
Nhập/xem lương | Nhập/xem lớp
show | show[/TABLE]

Khi đó, nếu trong hệ thống có các đối tượng cụ thể tương ứng với ba lớp, thì:
• Khi ta gọi hàm show từ đối tượng của lớp Người, sẽ nhận được tên và tuổi của người đó.
• Khi ta gọi phương thức show từ đối tượng của lớp Nhân viên, sẽ nhận được số tiền lương của nhân viên đó.
• Khi ta gọi phương thức show từ đối tượng của lớp Sinh viên, ta sẽ biết được lớp học của sinh viên đó.
Việc chỉ cần gọi cùng một phương thức, nhưng từ các đối tượng khác nhau, sẽ cho kế quả khác nhau được gọi là tính đa hình trong lập trình hướng đối tượng. Như vậy, tính đa hình trong lập trình hướng đối tượng:
• Cho phép các lớp được định nghĩa các phương thức trùng nhau: cùng tên, cùng số lượng và kiểu tham số, cùng kiểu trả về. Việc định nghĩa phương thức trùng nhau của các lớp kế thừa nhau còn được gọi là sự nạp chồng phương thức.
• Khi gọi các phương thức trùng tên, dựa vào đối tượng đang gọi mà chương trình sẽ thực hiện phương thức của lớp tương ứng, và do đó, sẽ cho các kết quả khác nhau.

8. THÀNH PHẦN PRIVATE VÀ PUBLIC CỦA LỚP
Để bảo vệ dữ liệu tránh bị truy nhập tự do từ bên ngoài, lập trình hướng đối tượng sử dụng các từ khoá quy định phạm vi truy nhập các thuộc tính và phương thức của lớp. Một cách tổng quát, lập trình hướng đối tượng chia ra hai mức truy nhập các thành phần lớp:
• Private: Truy nhập trong nội bộ lớp.
• Protected: Thành phần được bảo vệ, được hạn chế truy nhập như thành phần private (sẽ được trình bày sau).
• Public: Truy nhập tự do từ bên ngoài.
Thành phần private
Thành phần private là khu vực dành riêng cho lớp, không chia sẻ với bất kì lớp khác từ bên ngoài.
Thành phần private chỉ cho phép truy nhập trong phạm vi nội bộ lớp: Từ phương thức vào các thuộc tính hoặc giữa các phương thức của lớp với nhau. Các thành phần private không thể truy nhập từ bên ngoài lớp, cũng như từ đối tượng khác.
Trong một lớp, thông thường các thành phần sau sẽ được đặt vào khu vực private của lớp:
• Tất cả các thuộc tính dữ liệu của lớp. Các thuộc tính dữ liệu của lớp được đặt vào vùng private nhằm bảo vệ chúng, tránh sự truy nhập tự do từ bên ngoài.
• Các phương thức trung gian, được sử dụng như các bước tính toán đệm cho các phương thức khác. Các phương thức trung gian được đặt vào vùng private để thực hiện việc đóng gói trong lập trình hướng đối tượng: Các đối tượng, chương trình bên ngoài không cần, và không thể biết cách tính toán cụ thể bên trong của lớp.
Thành phần public
Thành phần public là khu vực mà Lớp có thể chia sẻ với tất cả các chương trình và đối tượng bên ngoài. Thành phần public có thể được truy nhập từ bên trong lẫn bên ngoài lớp:
• Bên trong lớp: từ phương thức lớp vào các thuộc tính dữ liệu của lớp, hoặc giữa các
phương thức của lớp với nhau.
• Bên ngoài lớp: Từ chương trình bên ngoài hoặc các đối tượng khác vào các phương thức của lớp.
Trong một lớp, thông thường các thành phần sau sẽ được đặt vào vùng chia sẻ public của lớp:
• Các phương thức để nhập/xem (set/get) các thuộc tính dữ liệu của lớp. Các phương thức này sẽ cho phép các đối tượng bên ngoài truy nhập vào các thuộc tính dữ liệu của lớp một cách gián tiếp.
• Các phương thức cung cấp chức năng hoạt động, cách cư xử của đối tượng đối với môi trường bên ngoài. Các phương thức này thể hiện chức năng của các đối tượng lớp.

9. MỘT SỐ NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG
Nội dung phần này sẽ trình bày một số ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng thông dụng hiện nay:
• Ngôn ngữ lập trình C++
• Ngôn ngữ lập trình ASP.NET và C#.NET
• Ngôn ngữ lập trình Java
C++
C++, ra đời vào giữa những năm 1980, là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được mở rộng từ ngôn ngữ lập trình cấu trúc C. Cho nên, C++ là ngôn ngữ lập trình nửa hướng đối tượng, nửa hướng cấu trúc.
Những đặc trưng hướng đối tượng của C++
• Cho phép định nghĩa lớp đối tượng.
• Cho phép đóng gói dữ liệu vào các lớp đối tượng. Cho phép định nghĩa phạm vi truy nhập dữ liệu của lớp bằng các từ khoá phạm vi.
• Cho phép kế thừa lớp với các kiểu kế thừa khác nhau tuỳ vào từ khoá dẫn xuất.
• Cho phép lớp kế thừa sử dụng các phương thức của lớp bị kế thừa (trong phạm vi quy định).
• Cho phép định nghĩa chồng phương thức trong lớp kế thừa.
Những vi phạm hướng đối tượng của C++
Những vi phạm này là do kết quả kế thừa từ ngôn ngữ C, một ngôn ngữ lập trình thuần cấu trúc.
• Cho phép định nghĩa và sử dụng các biến dữ liệu tự do.
• Cho phép định nghĩa và sử dụng các hàm tự do.
• Ngay cả khi dữ liệu được đóng gói vào lớp, dữ liệu vẫn có thể truy nhập trực tiếp như dữ liệu tự do bởi các hàm bạn, lớp bạn (friend) trong C++.
ASP.NET và C#.NET
Các ngôn ngữ lập trình .NET (còn được gọi là .NET Frameworks) của MicroSoft ra đời vào cuối những năm 1990 để cạnh tranh với ngôn ngữ lập trình Java. .NET là một ngôn ngữ hoàn toàn hướng đối tượng, hơn nữa, nó còn cung cấp một giao diện lập trình đồ hoạ thân thiện và đẹp mắt với truyền thống lập trình kéo thả của MicroSoft.
Một số đặc điểm của ngôn ngữ .NET:
• Là một ngôn ngữ hoàn toàn hướng đối tượng: Tất cả các thành phần, các thực thể trong chương trình đều được mô hình dưới dạng một lớp nhất định. Không có dữ liệu tự do và hàm tự do trong chương trình.
• Cung cấp giao diện lập trình đồ hoạ: lập trình viên chỉ cần kéo và thả các đối tượng đồ hoạ cho ứng dụng của mình.
• Cho phép lập trình viên tự tạo ra các thư viện UserControl của mình. Đây là một thư viện bao gồm các thành phần được người dùng tự thiết kế giao diện, viết mã nguồn, đóng gói và có thể sử dụng lại trong nhiều ứng dụng khác nhau, tuỳ theo chức năng của các thành phần.
Java
Java là một ngôn ngữ lập trình được Sun Microsystems giới thiệu vào tháng 6 năm 1995. Java được xây dựng trên nền tảng của C và C++: Java sử dụng cú pháp của C và đặc trưng hướng đối tượng của C++.
Một số đặc điểm của Java:
• Java là một ngôn ngữ lập trình hoàn toàn hướng đối tượng: Tất cả các thực thể đều được coi là một đối tượng, là một thể hiện cụ thể của một lớp xác định. Không có dữ liệu tự do và hàm tự do trong Java, tất cả đều được đóng gói vào các lớp xác định.
• Java là ngôn ngữ vừa biên dịch vừa thông dịch. Đầu tiên mã nguồn được biên dịch thành dạng bytecode; sau đó được thực thi trên từng loại máy nhờ trình thông dịch. Điều này tạo ra khả năng hoạt động độc lập với nền tảng phần cứng của các ứng dụng Java.
• Java cho phép người dùng tự tạo các đối tượng thư viện JavaBeans của mình (tương tự như các thành phần UserControl của .NET). Các đối tượng Bean sẽ được sử dụng lại như các thành phần có sẵn trong các ứng dụng khác. Điều này mở ra khả năng to lớn để tiết kiệm công sức viết mã nguồn và khả năng xây dựng các kỹ thuật cho một nền công nghiệp lắp ráp phần mềm.

Nguồn bài viết: DOTNET.VN

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bài viết mới nhất

LIKE BOX

Bài viết được xem nhiều nhất

HỌC HTML