Cấp bậc tác giả:

TRAINING

Bí kíp tự học của dân IT mà nhà trường chưa dạy - Phần III

Được viết bởi webmaster ngày 27/09/2015 lúc 12:22 AM
Đây là phần cuối trong series bài viết 3 phần “Những điều trường đại học không dạy bạn”:
  • 0
  • 7980

Bí kíp tự học của dân IT mà nhà trường chưa dạy - Phần III

Trong phần cuối của loạt bài, mình sẽ nói về những điều mà bạn-nào-cũng-muốn-biết-nhưng-trường-học-không-dạy, đó là : Cách thành công và thăng tiến trong sự nghiệp. Mình tổng hợp những điều này một phần từ sách vở, một phần từ pluralsight, một phần nhờ sự được các anh senior, PM, team leader chia sẻ. Có thể chúng không đúng 100%, nhưng biết những điều này sẽ giúp con đường nghề nghiệp của bạn bằng phẳng và “dễ thở” hơn rất nhiều.

Làm sao để phỏng vấn và xin việc

Sinh viên vừa ra trường, muốn có tiền nuôi sống bản thân thì phải đi làm. Muốn đi làm thì phải có công việc, mà muốn có công việc thì phải đi nộp đơn xin việc. Thế nhưng nhà trường không bao giờ dạy bạn cách viết 1 CV cho đàng hoàng, cách chuẩn bị, trả lời phỏng vấn ra sao. Có vô số những điều thuở mình muốn biết từ thời là sinh viên mà không biết hỏi ai:
  • Viết, trình bày CV như thế nào để thu hút nhà tuyển dụng
  • Chuẩn bị gì trước khi đi phỏng vấn
  • Quy trình phỏng vấn của các công ty IT
  • Những câu hỏi thường gặp khi đi PV (OOP, Database, Web, …)
  • Cách thỏa thuận lương (Cái này khá quan trọng, nhiều bạn sinh viên giỏi nhưng mới ra trường, khi PV xong, lúc thỏa thuận lương thường bị “ép giá”. Người thỏa thuận lương với bạn thường là manager, hoặc HR, họ làm chuyện đó thường ngày rồi, nên việc bạn không thỏa thuận lại họ cũng không có gì lạ).
  • …..
Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ không nói kĩ về CV, những điều cần chuẩn bị khi PV…, bạn nào có hứng thú có thể đón đọc ở những bài viết sau nhé.

Văn hóa ứng xử nơi công sở

Ngành IT là một ngành khá dễ chịu. Bạn không lo mình gặp phải cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”, phải “bưng trà rót nước” cho các cụ lão làng, hay lo chia phe phái, tụm năm tụm ba nói xấu lãnh đạo. Dân developer chúng ta tập trung nhiều vào kĩ thuật, do đó có kĩ thuật giỏi thì sẽ được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng có 1 số điều không-được-học-ở-trường mà ta nên lưu ý:
  • Đặc điểm của ngành phần mềm là làm việc theo nhóm, do đó các bạn đừng thu mình lại, chịu khó hòa đồng với team: Đá banh chung, chơi game chung, đi nhậu chung, mát xa chung …. Một khi đã thân thì làm việc chung sẽ dễ hơn rất nhiều.
  • Muốn mọi người biết mình giỏi, hãy thể hiện và chứng tỏ mình giỏi. Đây là một môn nghệ thuật khá khó, khoe nhiều các bạn sẽ mang tiếng là “nổ”, là “tỏ thái độ”, khoe ít người ta sẽ tưởng các bạn “không biết gì”.
  • Thông cảm cho các bác cấp trên. Dân lập trình chúng ta thường tưởng mình giỏi, và nghĩ rằng các cụ cấp trên ngu chết mẹ, có biết gì về code hay lãnh đạo đâu. Thật ra câu này cũng không sai, ngày xưa manager cũng từng là coder như bạn, vì code giỏi bị đẩy lên vị trí manager, có ai dạy họ kĩ năng lãnh đạo đâu. Bị cuốn vào công việc quản lý, họ không có thời gian trau dồi kĩ năng code nữa. Với suy nghĩ “thông cảm” thay vì “coi thường”, bạn sẽ dễ chia sẻ tầm nhìn với manager hơn, cơ hội thăng tiến cũng cao hơn.
  • Đừng coi thường những người code dở hoặc không biết code. Đôi khi ta thấy một người code không giỏi nhưng lại nhanh thăng tiến, rồi chửi thầm “Tại sao nó code như hạch mà lên chức nhanh thế, chắc do giỏi nịnh sếp”. Có khi là do họ rành văn hóa công sở + soft skill hơn bạn đấy.

Những phương pháp thương thảo

Trong suốt quãng đời làm việc, bạn sẽ phải thương thảo vô số lần: Thương thảo với team và team lead khi phân chia task, thương thảo với HR khi thỏa thuận lương, thương thảo với manager khi muốn chuyển team, muốn được tăng lương… Do đó việc trau dồi kĩ năng thương thảo sẽ giúp bạn tiến xa hơn trên con đường nghề nghiệp. Mình từng đọc 2 cuốn sách khá hay về thương thảo là: “Đắc nhân tâm” và “Một đời thương thuyết“, các bạn có thể tìm đọc.

Cách xây dựng tiếng tăm (reputation)

Câu hỏi luôn đau đáu trong đầu mỗi người đi làm, đó là: Làm sao được tăng lương, làm sao được thăng chức, làm sao được leo lên vị trí cao hơn. Để làm được điều đó, bạn cần xây dựng tiếng tăm trong mắt đồng nghiệp, cấp trên. Làm như thế nào ư?

Một điều khá may mắn trong ngành IT là: Vì đây là một ngành nặng về kĩ thuật. do đó bạn chỉ cần giỏi tập trung trau dồi technical cho giỏi. Chỉ cần technical giỏi, bạn sẽ được đồng nghiệp coi trọng, cấp trên tin tưởng giao phó trách nhiệm. Chỉ cần technical giỏi, con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng thênh thang, bạn sẽ nhanh chóng leo lên vị trí senior, team leader, technical lead, … Chỉ cần technical giỏi, lương bạn sẽ tăng vù vù, từ 500$, 1000$, 2000$, các quảng cáo xin việc toàn cần người giỏi technical còn gì?

Các bạn vừa đọc vừa gật gù đồng ý với những điều mình viết trong đoạn trên? THẬT Á? TỈNH LẠI ĐI BẠN TRẺ À! Con đường nghề nghiệp của 1 lập trình viên không đơn giản bằng phẳng như vậy đâu. Chúng ta thường lầm tưởng rằng: technical giỏi = lập trình viên giỏi. SAI BÉT.

Một lập trình viên cần nhiều hơn thế: kĩ năng lập trình, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giải thích, … Để lấy requirement từ khách hàng, bạn phải biết cách giao tiếp, biết cách hỏi, biết cách giải thích. Để thuyết phục mọi người trong nhóm làm theo mình, bạn cần rành kĩ năng chém gió, kĩ năng thuyết trình. Đó là lý do một số người technical không cứng nhưng vẫn lên được vị trí team leader, PM, nhờ họ giỏi “chém gió”, giỏi thuyết phục và quản lý người khác. Thậm chí, ở một số vị trí thiên về technical như: senior dev, technical lead,… bạn sẽ phải hướng dẫn developer mới, đưa ra solution và giải thích, những kĩ năng mềm này càng không thể thiếu được.

Dưới đây là một số cách để xây dựng tiếng tăm. Một số cách mình được truyền lại, một số cách mình đã áp dụng, kết quả cũng khá là ok :

Giúp đỡ đồng đội của bạn. Đừng lao vào ngỏ ý giúp đỡ, họ sẽ nghĩ là bạn ra vẻ, nhiều chuyện. Hãy thể hiện mình biết nhiều, khi có khó khăn họ sẽ thử nhờ bạn giúp. Dần dần khả năng technical + thái độ làm việc của bạn sẽ làm bạn được các thành viên khác nể trọng. Họ sẽ nhận xét tốt về bạn. và cấp trên đương nhiên sẽ để ý bạn hơn. (Lời khuyên: Hãy thành thật giúp đỡ người khác, đừng nghĩ mục đích của mình là vì tiếng tăm, bạn sẽ có được đồng đội lẫn bạn bè. Quá tập trung vào tiếng tăm sẽ phản tác dụng).
Thể hiện với leader. Hãy estimate công việc nhiều một tí, sau đó hoàn thành sớm thời hạn. Sau khi hoàn thành công việc, hãy tự tìm việc làm hoặc báo cáo leader để giao việc. Leader sẽ đánh giá cao sự nhiệt tình + thái độ làm việc của bạn.
Giữ thái độ khiêm tốn. Người khiên tốn thường được tôn trọng hơn. Rất nhiều bạn SV mới ra trường thường giữ thái độ “ta đây giỏi”, làm gì cũng hất mặt lên trời, luôn bị đánh giá là “attitude không tốt”.
Thực hiện seminar, thuyết trình, giới thiệu công nghệ. Khi bạn chia sẻ kiến thức của mình cho người khác, bạn sẽ nhận lại được kiến thức và sự nể trọng. Đó cũng là lý do mà mình xây dựng nên website này, lập tài khoản trên facebook,

Kết luận: Mình không có ý chê trách các trường đại học khi viết series này. Về bản chất, các trường chỉ dạy cho bạn kiến thức cơ bản, nó sẽ làm nền tảng giúp bạn học những điều mới dễ dàng hơn. Đó cũng là lý do mà mình viết blog này, để chia sẻ cho những bạn sinh viên còn đang học, mới ra trường hoặc vừa đi làm những điều mà chỉ-đi-làm-rồi-mới-nhận-ra. Muốn biết thêm về những điều này, hãy thường xuyên ghé thăm và đón đọc Website của mình nhé.

Nguồn bài viết: Sưu tầm

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bài viết mới nhất

LIKE BOX

Bài viết được xem nhiều nhất

HỌC HTML