Tương lai của những trang web sẽ được quyết định trong một căn phòng tối bởi những chính trị gia và đại diện của các chính phủ, ít nhất là theo cách mà Google và một số công ty khác khi nói về kế hoạch cải cách chính sách 25 năm tuổi của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Một số tài liệu rò rỉ đã cho thấy rằng những thành viên của ITU đang muốn bổ sung nhiều luật lệ mới vào bộ luật nhắm đến các vấn đề viễn thông của tổ chức này. Điều mà những nhà phê bình lo lắng ở đây đó là những điều lệ này sẽ cho phép các quốc gia trên thế giới biện hộ cho việc thiết lập các bộ lọc Internet trên đất nước của mình. Tất nhiên, vẫn có những người ủng hộ điều đó vì nó sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trên lĩnh vực Internet vốn đang nghiêng về phía Hoa Kì bởi nước này nắm trong tay ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tổ chức hiện đang quản lí tên miền của toàn thế giới và kiểm soát phần "trụ cột" của Internet.
Bắt đầu từ ngày 3/12 sắp tới, những mối quan ngại nói trên sẽ được đưa ra thảo luận khi mà những thành viên của ITU tham dự một cuộc họp ở Dubai. Mục tiêu của hội nghị này để xem xét đến tất cả các kế hoạch kiến nghị mà nhiều nước đã nộp lên, đồng thời tìm ra một bản thỏa thuận chung cho tất cả. Tuy nhiên, việc tranh luận về những luật lệ mới đã diễn ra được nhiều năm nay, cuộc họp sắp tới sẽ là tiếp tục quá trình này và có lẽ nó cũng chưa sớm dừng lại.
ITU là gì?
International Telecommunication Union là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (UN). Tổ chức này ban đầu có tên là International Telegraph Union và được thành lập vào năm 1865. Hiện tại, thành viên của ITU có 193 quốc gia và khoảng 700 công ty, viện nghiên cứu, những nhân tố đã phát triển nên các tiêu chuẩn kĩ thuật cũng như đặt ra mục tiêu để phát triển nên một mạng truyền thông trên khắp toàn cầu.
Nếu mọi chuyện khác đi vào những ngày đầu Internet ra đời, ITU có thể là một trong những cơ quan quản lí hệ thống tên miền mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Vào năm 1996, ITU đã từng là thành viên của International Ad Hoc Committee (IAHC), một trong những tổ chức đầu tiên quan tâm đến việc phân bổ tên miền Internet. Tuy nhiên, IAHC bị chỉ trích rằng không thông tin đủ cho người tiêu dùng, chính phủ và cả nên công nghiệp Internet về các công trình nghiên cứu cũng như ảnh hưởng của chúng đến Internet. Kế hoạch xây dựng IAHC thất bại, sau đó Bộ thương mại Hoa Kì đã cho phép ICANN kiểm soát hệ thống tên miền vào năm 1998.
Trong thời gian gần đây, ITU đã làm việc với các vấn đề có liên quan đến mạng viễn thông băng thông rộng cũng như những tiêu chuẩn kĩ thuật, hai hoạt động khá rõ ràng đối với một tổ chức chuyên về truyền thông. Mặc dù vậy, đã có nhiều nghi ngờ được đưa ra rằng ITU đang để mắt đến nhiều thứ khác nữa. Hồi năm 2006, Tổng thư kí mới được bầu khi đó là Hamadoun Touré đã nói "Tôi không muốn thấy ITU cố gắng chiếm lấy nhiệm vụ cai quản Internet", nhưng ông nói ITU vẫn có trách nhiệm "bắt buộc" trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng cho sự phát triển của Internet. Touré cũng có phát biểu là "an ninh trong không gian số chỉ có thể được dàn xếp bởi ITU". Kết quả là ITU cũng có tham gia vào những dự án để chống spam cũng như đưa ra giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng.
Tổng thư kí ITU, ông Hamadoun Touré
Vì ITU đang chuẩn bị cải tiến nguyên tắc chỉ đạo vốn đã có tuổi thọ hàng thập kỉ, tổ chức này đang đứng giữa rất nhiều cuộc thảo luận "nóng". Với vai trò của một tổ chức quốc tế, ITU có thể xem như một đối trọng với ICANN, vốn đang có sự bảo hộ khá nhiều từ chính phủ Mỹ và đôi khi bị xem là đại diện cho những mong muốn của Hoa Kì. Ngoài ra, ITU còn là tổ chức đa chính phủ, do đó nó phải nhận lấy nhiều quan ngại từ phía nền công nghiệp Internet tự do, những người đang lo rằng Internet sẽ bị ràng buộc bởi nhiều điều luật ban hành bởi những chính trị gia. Chưa hết, vì là một phần của UN nên ITU sẽ là đích nhắm của những người Mỹ có tư duy không tin tưởng vào các tổ chức có nhiệm vụ đặt ra những chính sách mang quy mô toàn cầu.
Những bản kiến nghị đó ra sao?
Trung tâm của cuộc thảo luận đã nói đến bên trên là WCIT (đọc là "wicket"), viết tắt cho chữ 2012 World Conference on International Telecommunications (Hội thảo về viễn thông quốc tế năm 2012) sẽ diễn ra từ ngày 3/12 đến 14/12. Trong dịp này, ITU sẽ cập nhật Bộ luật viễn thông quốc tế (International Telecommunication Regulations - ITRs) ra đời từ năm 1998. Bộ luật này quy định một cách bao quát phương pháp mà các mạng quốc gia, quốc tế hoạt động. Giống với các bộ luật khác của Liên Hợp Quốc, chỉ khi những quốc gia kí tên chấp thuận những điều khoản có bên trong thì ITR mới trở thành một điều bắt buộc. Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể kí nhưng với điều kiện "bảo lưu". Điều đó có nghĩa là nếu như Liên Hợp Quốc muốn kiểm soát Internet thì tất cả những bên liên quan phải đồng lòng.
Tính đến thời điểm hiện tại, một trong những rắc rối lớn nhất đó là chúng ta không chắc chắn những gì đang được đưa ra bàn cãi tại ITU. Chi tiết về cuộc meeting của ITU vào tháng 12 tới đây cũng như những thảo luận từ các bên liên quan vẫn còn nằm trong vòng bí mật, mặc dù cơ quan này đã đăng tải lên website của mình một số thông báo ngắn. Giới truyền thông quốc tế chú trọng hơn vào những tài liệu được đưa ra bởi WCITLeaks, một trang web chuyên đưa thông tin rò rỉ của ITU và được điều hành bởi hai nhà nghiên cứu ở trung tâm Mercatus thuộc đại học George Mason. Sau khi WCITLeaks công bố những thông tin mà họ có được, ITU đã đưa ra bản nháp của những "nội dung công cộng". Tuy nhiên, những bản dự thảo mà các nước gửi lên ITU vẫn chỉ xuất hiện ở WCITLeaks mà thôi.
Điều này không nhất thiết có nghĩa là ITU hay UN đang cố giữa bí mật những bản thỏa thuận, tuy nhiên nó đã cho thấy một khoảng cách giữa cung cách hoạt động bình thường của hệ thống này với những gì được người ta kì vọng ở một tổ chức đặt ra quy định cho Internet. Giáo sư về truyền thông Dwayne Winseck của đại học Carleton cho biết về tổng quan thì ông ủng hộ dự định của ITU, tuy nhiên ông đồng ý rằng ITU "cần phải làm nhiều hơn nữa" để trở nên minh bạch hơn với thế giới. Ông đưa ra một ví dụ đó là phí thành viên hằng năm của ITU là "thái quá", ngay cả những đại học cũng phải chi 4000$/năm để được làm thành viên của tổ chức này, gần gấp ba lần so với những gì mà các tập đoàn đa quốc gia phải trả cho ICANN. Mới đây, Nghị viện Châu Âu cũng từng nói rằng họ "lấy làm tiếc vì sự thiếu minh bạch" của những thương thuyết sắp được đưa ra ở WCIT 2012 nếu như kết quả của cuộc gặp gỡ này có khả năng gây ra ảnh hưởng căn bản đối với lợi ích của cộng đồng.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều vấn đề rắc rối được đặt lên bản hội nghị, tuy nhiên việc phải tìm kiếm thông tin về WCIT thông qua một website rò rỉ đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến ITU. Nếu như ITU không muốn công bố những bản dự thảo mà các quốc gia nộp lên thì liệu họ có chịu khó lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp hay thường dân hay không?
Chiếm quyền kiểm soát từ ICANN
Nội dung cốt lõi của sự kiện WCIT đó là một sự thay đổi về việc xem xét vai trò của ITU, từ một cơ quan chủ yếu giải quyết những vấn đề viễn thông sang thành một tổ chức chuyên trách về Internet. Các bản nháp bị rò rỉ có bao gồm nhiều ý kiến nói Internet là một nhánh của viễn thông, do đó ITU cần phải bổ sung những chi tiết mới vào bộ luật vốn được xây dựng cho một thế giới tiền Internet. Thay vì mô tả mạng truyền thông quốc tế là "cung cấp khả năng viễn thông giữa những văn phòng, trạm viễn thông", một số đề xuất cho rằng nên xác định tính năng của mạng toàn cầu như sau: "cung cấp dịch vụ roaming, điện tín công cộng quốc tế, telex". Một số dự thảo khác thì muốn ITU không lạm dụng nguồn tài nguyên thuộc quyền sở hữu của ICANN. Nga hi vọng có thể bổ sung vào bộ luật này một điều khoản nói rằng "tất cả các quốc gia thành viên phải có quyền quản trị Internet như nhau", bao gồm cả việc kiểm soát hệ thống tên miền cũng như "quyền phát triển cơ sở hạ tầng Internet căn bản".
Sự mập mờ xuất hiện ở đây đó là bởi vì ngôn ngữ được sử dụng tương đối rộng, nên có thể xem Bộ luật viễn thông quốc tế năm 1988 đã bao gồm luôn Internet bên trong đó. Ví dụ, tài liệu cũ này định nghĩa viễn thông bao gồm "bất kì sự truyền tin, phát tin hoặc thu nhận dấu hiệu, tín hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh" được thực hiện qua "dây, sóng radio, quang học hoặc các hệ thống điện từ khác".
Mặc dù vậy, các công ty không muốn phải tuân theo một bộ luật khác nữa, và những nhóm lợi ích công cộng đã lo ngại rằng ITU sẽ không còn "nhạy". Cơ quan này bị xem là đã tập trung quá nhiều vào các chính phủ nên có thể bị sử dụng như một "tiếng nói" trong các vụ "đàn áp", trong khi yêu cầu từ người khác có liên quan thì bị làm ngơ. Tổ chức luật sư Internet Public Knowledge nói ITU đã tập trung vào các tiêu chuẩn kĩ thuật viễn thông và được "xây dựng dựa trên sự tham gia của các chỉnh phủ". Google thì tranh luận là "chỉ có các chính phủ mới có tiếng nói ở ITU" vì mô hình "một quốc gia, một quyền bỏ phiếu". Trong khi đó, ICANN xem xét những vấn đề của mình với sự tham khảo từ nhiều đối tượng hơn.
Nói đi thì cũng phải nói lại. ICANN hiện đang được chính phủ Mỹ bảo hộ, một điều không phải ai cũng thích. Ý tưởng quốc tế hóa hệ thống tên miền cũng nhận được nhiều sự đồng thuận trên toàn cầu. Giáo sư Winseck nói những quốc gia (ngoài Mỹ) rất muốn trở nên độc lập khỏi ICANN và họ đã có nhiều động thái để thúc đẩy việc quốc tế hóa domain name, không có lý do nào để xu hướng này bị chững lại.
Thuế Internet
Nếu nhìn lại những hồ sơ dự thảo được nộp lên ITU, một số trong đó khá tầm thường, nhưng cũng có một số khác hữu ích, ví dụ như một số thì tỏ ra đồng ý cấp quyền ưu tiên cho những kết nối quan trọng, số khác thì chống lại giả mạo qua điện thoại. Tuy nhiên, cũng có những dự thảo muốn làm cho việc thiết lập các bộ lọc Internet trở thành một chuyện được chấp nhận rộng rãi, cũng như tỏ rõ ý định phá hủy tính trung lập của thế giới mạng.
Trong những hồ sơ WITC rò rỉ, cụm từ "internet tax", tạm dịch là thuế internet, được nhắc đến rất nhiều. Hồi tháng 6 năm nay, tờ báo Forbes đã từng đặt ra câu hỏi "liệu Liên Hiệp Quốc có đang muốn đánh thuế Internet", còn trang Engadget thì đưa ra chữ "Facebook tax". Động thái của hai trang tin này liên quan đến việc Hiệp hội các nhà mạng viễn thông Châu Âu (ETNO) muốn đưa ra một điều luật yêu cầu bổ sung cho ITU, theo đó những công ty web/mạng phải trả tiền để có thể gửi luồng dữ liệu của mình sang những quốc gia khác. Có thể xem đây giống như kiểu thuế nhập khẩu vậy. Cụ thể hơn, hiệp hội này đề xuất rằng các nhà mạng "nên thương lượng bằng các thỏa thuận thương mại để đạt được một hệ thống bền vững để đền bù công bằng cho những dịch vụ viễn thông". Tổng thư kí Touré đã bảo vệ ý kiến này và cho rằng đây là một biện pháp dùng để trợ giá cho Internet hoặc chi phí roaming. Vị này nói "Chúng ta có thể tìm cách để giảm chi phí của kết nối Internet tại các nước đang phát triển, trong khi vẫn đảm bảo đủ doanh thu cho các nhà mạng để triển khai cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng".
Nếu dự luật này được thông qua rộng rãi thì nó có thể thay đổi cách mà thông tin được truyền đi bằng Internet. "Sự khác biệt về chất lượng trong quá trình cung cấp dịch vụ" mà ETNO muốn đưa ra sẽ đánh thẳng vào tính trung lập của thông tin vì nó gợi ý rằng các công ty, nhà mạng cần phải trả tiền hoặc chịu đựng những hạn chế trong kết nối. Phó giám đốc Robert Pepper của Cisco nhận xét dự luật này còn có thể ảnh hưởng đến cả người nhận thông tin chứ không chỉ về phía người gửi. Các công ty sẽ không kí hợp đồng với những quốc gia đang phát triển mà họ nghĩ là không mang lại lợi nhuận. Kết quả cuối cùng? Những nước này sẽ bị cô lập hoàn toàn khỏi mạng Internet toàn cầu. Nghị viện Châu Âu không đưa ra thái độ cụ thể đối với kế hoạch nói trên, nhưng tổ chức này nói là sẽ phủ quyết bất kì thứ gì vi phạm đến nguyên lí minh bạch của Internet (net neutrality - một nguyên lí nói rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet không được giới hạn quyền truy cập của người dùng vào các mạng trên thế giới).
Tuy nhiên, không chỉ ITU mới có ý định đánh thuế Internet. Một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Thụy Điển đang lên kế hoạch tính thêm phí đối với những người dùng có sử dụng dịch vụ VoIP trên mạng của họ. Nhà mạng AT&T (Mỹ) thì gợi ý rằng lập trình viên và các nhà phát triển ứng dụng nên gánh chịu chi phí của những người dùng app do họ viết ra. Trong khi đó, Google và những tổ chức như Public Knowledge thì đang chiến đấu để bảo vệ net neutrality ở nhiều nơi.
Tương tự như trên, những quốc gia muốn kiểm soát chặt chẽ mạng Internet của họ đã đưa ra những đề nghị giới hạn sự truy cập của người dùng. Như UAE chẳng hạn, chính phủ của nước này muốn thêm vào bộ luật của ITU những điều khoản cho phép các quốc được thiết lập bộ lọc Internet của mình với bất kì lý do nào. Còn Nga thì yêu cầu "các quốc gia thành viên nên có quyền tối cao để thiết lập và tích hợp những chính sách công cộng, bao gồm cả những chính sách quốc tế, cho việc kiểm soát Internet". Nói cách khác, chính phủ các nước này muốn nắm trong tay mạng Internet và ITU đang bị cáo buộc là giúp việc chặn nội dung trở nên dễ dàng hơn nếu tổ chức đồng ý thông qua những dự luật nói trên tại WITC 2012.
ITU tự bảo vệ mình trước những cáo buộc này bằng cách nói việc lọc nội dung Internet không phải là một thứ gì đó mới mẻ. Trong một bài diễn văn ngày 22/6, Tổng thư kí Touré chỉ ra rằng điều khoản số 34 của bộ luật ITU cho phép các quốc gia thành viên cắt những kết nối mà họ xem là "nguy hiểm đến sự an toàn của quốc gia hoặc đi ngược lại pháp luật, lệnh công cộng hoặc khuôn phép xã hội". Touré còn nói rằng "tất cả mọi quốc gia đều đã áp dụng một số giới hạn" lên nội dung trên Internet, có thể là để chống tình trạng vi phạm bản quyền hoặc giới hạn những phát ngôn mang tính chính trị. Nếu ITU không thông qua những dự thảo của các quốc gia thành viên thì có lẽ tình trạng cấm đoán nội dung cũng không bị giảm đi. Tuy nhiên, nếu ITU cụ thể hóa chúng thì tình trạng sẽ trở nên tệ hơn, nói cách khác là ITU đã cho phép các nước trên thế giới áp đặt bộ lọc Internet. Và có một điều chắc chắn là những thứ như thế sẽ không được ủng hộ rộng rãi.
Quay trở lại vị giáo sư truyền thông Winseck ở trên, ông đã chỉ ra một số mặt tích cực của việc áp đặt những giới hạn lên Internet, chẳng hạn như việc bắt buộc dùng tên thực sẽ giảm được nạn ăn cắp nội dung. Các nước cũng có thể theo dõi chặt chẽ những "thông tin nhạy cảm" nếu chúng được gửi đi. Tuy nhiên, ông cho rằng những dự thảo quá gay gắt về chuyện này thì sẽ khó có thể trở thành hiện thực mà "chỉ nằm trong wishlist". Đồng thời, Winseck nhận xét rằng cơ hội để các thành viên của ITU chiếm lấy quyền kiểm soát những gì thuộc thẩm quyền của ICANN là "tuyệt đối bằng không".
Ai sẽ là những người chống lại các dự thảo này?
Có nhiều lắm, mà một ví dụ chúng ta có thể thấy rõ đó là Google. Hiện công ty này
đang thực hiện một cuộc vận động với khẩu hiệu "Một thế giới miễn phí và mở phụ thuộc vào một mạng Internet miễn phí và mở" (A free and open world depends on a free and open internet). Trưởng bộ phận Internet Vint Cerf tại Google là một trong những cái tên lớn nhất đứng lên chống lại sự kiểm soát thái quá của ITU. Có lý do để Google làm việc này: Google kinh doanh dựa trên việc gửi thông tin đi khắp nơi trên thế giới ở một mức phí rẻ, và với vai trò của một kẻ mới tham gia lĩnh vực viễn thông, họ không muốn phải kí kết thỏa thuận với một cơ quan luật pháp nữa. Một số những cái tên khác phản đối chuyện này còn có tổ chức tự do Cato Institute, Public Knowledge, Electronic Frontier Foundation. Họ cũng yêu cầu ITU tiếp tục tập trung vào việc phát triển các công nghệ viễn thông. Trung tâm Dân chủ và Công nghệ đưa ra chỉ trích là ITU đang trở thành một "cơ quan cai quản", đồng thời gửi một lá thư phản đối với chữ kí của khoảng 50 tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới.
Không những thế, hồi đầu năm nay, Ủy ban Năng lượng và Thương Mại Hoa Kì đã thông qua nghị quyết chống lại sự mở rộng quyền kiểm soát của ITU. Chính quyền Obama cũng có ý kiến tương tự. Nghị viện Châu Âu thì vừa ban hành nghị quyết của mình, và tất nhiên là họ cũng ủng hộ Mỹ. Tất cả 27 nước của Liên Minh Châu Âu (EC) đã bỏ phiếu chống lại ý định sự thay đổi việc kiểm soát tên miền từ ICANN sang ITU. Họ còn nói rằng "không có lời lẽ biện hộ nào cho những dự thảo đó" và "nếu nó (Internet) không bị hử hỏng, đừng sửa chửa nó".
Vậy ai sẽ ủng hộ ITU?
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga là cái tên lớn nhất ủng hộ việc quốc tế hóa sự kiểm soát hệ thống tên miền, bổ sung điều khoản vào an ninh số và chấp thuận bộ lọc Internet. Mới đây, Nga đã tích hợp lưới lọc dữ liệu của riêng mình để khóa những trang web có nội dung đồi trụy liên quan đến trẻ em hoặc các site nói về ma túy. Quốc gia này cũng có những cuộc thảo luận tích cực với ITU. Vào năm 2011, Vladimir Putin đã gặp Tổng thư kí ITU Touré và hứa hẹn rằng Nga sẽ có những mối liên quan chặt chẽ với tổ chức này. Cũng trong buổi gặp gỡ đó, Putin và Touré đã đồng thuận về sự cần thiết của an ninh số cũng như những điều nguy hiểm mà Internet có thể gây ra cho trẻ em.
Trung Quốc cũng là một nước ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hệ thống tên miền. Nước này nổi tiếng vì những đợt chặn website, khóa lưu lượng truy cập. Trong dự thảo rò rỉ mà Trung Quốc nộp lên ITU có liên quan nhiều đến an ninh số, yêu cầu ITU thêm vào bộ luật của họ quyền và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của mạng rrthông tin và cơ sở hạ tầng viễn thông". Indonesia cũng nằm trong diện này. Theo WCITLeaks, vẫn còn nhiều dự thảo chưa được biết đến, tuy nhiên việc các quốc gia muốn có thêm quyền với mạng Internet không phải là chuyện quá bất thường.
Vậy bản thân ITU thì sao? Tổng thư kí Touré và nhiều lãnh đạo khác của cơ quan này vẫn đang đứng trung lập và nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của họ là "cung cấp một diễn đàn minh bạch" để thảo luận. Touré đã từng nói trước Đại học Columbia rằng "WCIT chắc chắn không phải là về chuyện chiếm lấy sự kiểm soát Internet hay giới hạn quyền tự do phát biểu cũng như quyền tự do ngôn luận của mọi người". Ông cũng nói thêm rằng ý định tách riêng Internet với viễn thông là "ngớ ngẩn". "Ai có thể nói cho tôi biết sự khác nhau giữa chúng khi nói về lưu lượng đi qua các mạng, giữa tiếng, video và dữ liệu?"
Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?
Mặc dù nội dung cuộc đối thoại WCIT vào ngày 3 đến ngày 14 tháng 12 sẽ không hoàn toàn được công bố rộng rãi nhưng chúng ta vẫn có thể theo dõi một phần của nó. Một số phiên thảo luận sẽ được truyền trực tiếp,
khu vực báo chí của WCIT cũng sẽ đăng tải link đến các video và bài diễn thuyết tại sự kiện. WCITLeaks thì chắc chắn sẽ post thêm nhiều thứ khác nữa ngay khi họ biết được. Các nước thành viên cũng sẽ cập nhật thông tin của riêng họ. Các tổ chức như EFF, Public Knowledge cũng sẽ cập nhật nội dung WCIT hằng ngày. Các ủy ban như FCC của Mỹ cũng vậy. Sẽ có nhiều tranh luận nổ ra tại sự kiện này, từ việc ai, nước nào nên quản lí tên miền, và nếu có thể thì khi nào các bộ lọc Internet sẽ được chấp thuận. Còn nữa, những tranh luận này chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện tại Dubai mà còn kéo dài sau đó.