Bản thân người học cần chủ động trong quá trình tích lũy hành trang cho cuộc cách mạng mới này. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng: “Không chỉ cập nhật kiến thức, sinh viên cần khả năng tự thích nghi, tức phải có thể tự học để tiếp thu những cái mới bên ngoài”.
Ông Phong cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất bởi nó sẽ giúp người lao động vượt qua nhiều khó khăn đang đặt ra ở phía trước. Muốn thích nghi được thì người học cần phải có nền tảng vững mạnh về khoa học.
Theo PGS-TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học - Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh viên phải học và có kiến thức rộng chứ không chỉ sâu, dù ở lĩnh vực nào cũng cần phải biết ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tốc độ tự động hóa.
Ông Nam phân tích thêm: “Trong cuộc cách mạng này, sự hội nhập quốc tế là không tránh khỏi. Điểm yếu của sinh viên VN hiện nay là ngoại ngữ. Nếu kỹ năng này không tốt thì không thể đi nhanh được. Bên cạnh đó, sinh viên còn cần trang bị cả về khả năng chịu đựng áp lực công việc. Trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng từng giây, việc cập nhật công nghệ mới đòi hỏi khả năng học tập suốt đời. Mà điều này phải được hình thành từ khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, tính chủ động và khả năng ngoại ngữ là 2 chìa khóa để người trẻ thành công trong thời đại công nghiệp 4.0. Bởi chỉ giỏi ngoại ngữ, luôn chủ động, sinh viên mới tận dụng được cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại. Do vậy, việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng cần được thực hiện sớm nhất có thể.
Tuy nhiên thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhấn mạnh điều quan trọng đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức. Với trường học, sự thay đổi này phải từ những người lãnh đạo để thực sự tạo ra được bước đột phá.