Trong thời điểm mà công ty nổi tiếng và thành công nhất của thế giới – Apple đang gặp phải khó khăn, mọi người lại cùng nhớ đến câu nói của Mitt Romney: "Các công ty cũng chỉ là những con người mà thôi."
Trong một cuộc nói chuyện về tương lai của quả táo, John Gruber, biên tập viên của trang web nổi tiếng Daring Fireball (chuyên về các sản phẩm của Apple) cùng Guy English, người đã tham gia phát triển iPhone và Mac đã cùng bàn luận về vấn đề thực sự hiện giờ của Apple: con người.
Gruber đã bày tỏ quan ngại rằng những kỹ sư hàng đầu thế giới có thể đã đi đến nhận định rằng Apple không thể đáp ứng được những nhu cầu của họ nữa.
"Vấn đề của Apple không phải là họ đang đánh mất nhân tài, mà là họ CÓ THỂ SẼ đánh mất các nhân tài."
Có nhiều người sẽ bác bỏ luận điểm này, bởi vì đằng sau những câu nói "có thể" thường không phải là những luận điểm chắc chắn cho lắm.
Nhưng quan điểm của Gruber là đáng chú ý: tại Apple đã và đang luôn luôn tồn tại phong trào sùng bái cá nhân. Đôi khi, điều đó còn được khuyến khích bởi công ty.
Từ rất lâu rồi, rất nhiều người đã mang quan điểm rằng nhắc tới Apple là nhắc tới Steve Jobs. Đôi lúc, mọi người cũng có thể nhắc tới Jony Ive hoặc Scott Forstall.
Nhưng sự thật là đằng sau những cái tên lớn như vậy luôn luôn có những kỹ sư có cái tên ít được biết tới – nhưng cũng là những con người cực kỳ tài năng và thông thái.
Một trong số họ, Tony Fadell, đã rời bỏ Apple để thiết kế ra Nest, một chiếc máy đo nhiệt độ "mang tính cách mạng", theo trang công nghệ Cnet.
Guy English cho rằng, một khi bạn đã tạo ra một sản phẩm như iPhone, đó có thể là sản phẩm để đời của bạn. Bất cứ thứ gì sau đó, ít nhất là trong thị trường của Apple, cũng không thể gây ấn tượng mạnh mẽ được nữa.
Do đó, iWatch, sản phẩm đang được đồn đại rất nhiều trong thời gian gần đây, rất có thể sẽ là một dự án được rất nhiều kỹ sư ấp ủ chỉ để có một sản phẩm để đời, như iPhone và iPad.
Và "dự án để đời" đó rất có thể đang được nhiều kỹ sư mang ra trêu đùa nhau tại Apple.
Nhưng Apple thì lúc nào cũng nghiêm túc. Cả về mặt giải trí và về mặt thiết kế. Chắc chắn công ty sẽ không đột ngột tập trung vào một sản phẩm vô dụng. Kể cả nếu như đó là một sản phẩm vô dụng tạo ra rất nhiều lợi nhuận.
Xét cho cùng, vấn đề của tất cả các công ty vẫn là giữ lại những con người thực sự tạo ra các sản phẩm có giá trị.
Có những nhân viên không muốn được nổi tiếng. Họ chỉ muốn sản phẩm của mình trở nên nổi tiếng. Họ chỉ muốn có cảm giác rằng sản phẩm mà họ làm ra đang được nhắc tới và được yêu quí ở khắp mọi nơi.
Và không phải tất cả các kỹ sư đều thèm khát ánh đèn của sân khấu. Thực tế, ánh đèn đó không phải là thứ mà nhiều kỹ sư mong muốn.
Vấn đề lớn nhất của Apple – giống như nhiều công ty khác, là tạo ra một bầu không khí làm việc, nơi mà tất cả mọi người đều tin rằng mình sẽ không thể tìm được một vị trí làm việc tốt hơn – với tư cách là một nhà sáng chế.
Rõ ràng, rất nhiều người đang lo sợ rằng khả năng Apple có thể tạo ra những thị trường mới nhờ vào những sản phẩm đáng ngạc nhiên như iPhone và iPad đang giảm sút đáng kể.
Và cũng rất dễ để có thể cảm thấy rằng Tim Cook không phải là người có tầm nhìn sâu rộng như Steve Jobs và cũng không phải là một nhà quản lý hiệu quả.
Đôi khi, các nhà quản lý hiệu quả phải biết cách tạo ra cơ hội cho nhân tài của mình liên tục đạt được những thành tựu mới.
Đó là bài toán khó nhất và cũng là thử thách lớn nhất của Apple vào thời điểm này.
Vấn đề không chỉ còn là tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nữa. Vấn đề bây giờ đã trở thành liệu Apple có thể thuyết phục các nhân viên của mình rằng "Quả táo" vẫn còn có khả năng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời hay không.
Và điều đó sẽ dẫn tới câu hỏi tiếp theo: liệu loài người có cần thêm một sản phẩm nào mới, để cho sự tồn tại của chúng ta trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn không?
Và nếu có, thì sản phẩm đó là gì?