Không có ham muốn phiêu lưu (Văn minh tân học sách, 1904)
Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, đi thám hiểm Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy. Nước ta có thể không? Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng! Ở lữ thứ(1) vài năm đã than thở quan hà đầu bạc(2). Nói gì đến Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Cao Miên không ai chịu đặt chân tới nhưng ngay đến Trung Hoa đối với ta vẫn là chỗ cùng tộc loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo văn học, cho đến phương tiện giao tế, cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh kỳ đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa một ai đến thành Ngũ Dương(3) cả.
(1) lữ thứ: nhà trọ, chỗ xa lạ.
(2) quan hà: cửa ải và sông, quan hà đầu bạc chỉ vất vả mà người đi xa phải chịu khiến người ta già đi.
(3) thành Ngũ Dương đây chỉ Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông, chứ không phải Quảng Đông nói chung như một số tài liệu đã chú.
Vay mượn cẩu thả thêm thắt tuỳ tiện (Nguyễn Văn Vinh, Tật huyền hồ sáo hủ, 1913)
Ngày nay có cải lương(1) gì thì sợ rằng trái đạo lý cũ của mình. Đạo lý cũ của mình là thế nào có ai biết đâu? Con khóc cha mà cúng phải tìm trong Thọ mai gia lễ hay là Văn công gia lễ, xem ngày xưa ở bên Tàu các õng ấy khóc cha ra làm sao, thì cứ thế mà khóc. Gián hoặc(2) trong hai cách có điều gì khác nhau thì cũng biết vậy, lúc tung việc thì vớ được quyển nào theo quyển ấy. Gọi là cho nó theo một lệ não đó, thì là nhà có văn phép.
Trong cả các trò chơi, như hát tuồng, hát chèo cũng hay bắt chước nhưng cách vô lý. Tấn tuồng thì lấy trong các sự tích của Tàu mà lúc Ta hát thì quên cả đến thời đến xứ(3). Cứ nhân được chỗ nào hát được mấy câu nam thì nam(4) cho mấy câu. Chỗ nào có dịp khôi.hài thì khôi hài. Thấy người xem có mấy người dễ cười, thì làm mãi.
(1) cũng tức là cải cách.
(2) giá như.
(3) thời tức niên đại thời gian, xứ tức hoàn cảnh không gian.
(4) nam: vốn được hiểu là những gì mang tính cách thuần Việt. Đọc chệch thành nôm. Và chữ nam thứ hai thì dùng như một động từ.
Gọt chân cho vừa giày (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950)(*)
Vô luận là vấn đề gì, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung Quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì. Trái lại, cái gì của Trung Quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại cô lại cho vừa với kích thước khuôn khổ của chúng ta. Bởi thế chính trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà tư tưởng, một nhà triết học nào. Chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xa mà băn khoăn khao khát đi tìm đạo lý mới.
*) Đây là một cuốn sách mỏng, do nhà nghiên cứu Đào Duy Anh viết và xuất bản ở Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chứ không phải Việt Nam văn hóa sử cương của tác giả in lần đầu 1938.