Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Tiên Sa - Vua Taxi Đà thành

Được viết bởi webmaster ngày 01/03/2015 lúc 08:24 AM
CEO Lê Vinh Quang của thương hiệu taxi Tiên Sa và tham vọng vươn ra khỏi thị trường miền Trung.

Tiên Sa - Vua Taxi Đà thành

ceo-tien-sa.jpg
Chỉ sau 5 năm thành lập, taxi Tiên Sa đã chiếm đến 30% thị phần Đà Nẵng, tương đương với “đàn anh” Mai Linh, cao hơn thị phần “ông lớn” Vinasun và bỏ xa các hãng khác tại đô thị được xem là thủ phủ miền Trung.
Từ “tự hào thương hiệu Đà Nẵng” ...
Trưng slogan này, nhãn hiệu Tiên Sa thuộc Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng từng muốn khoanh vùng Đà Nẵng làm thị trường mục tiêu. Thêm nữa, là một người con Đà thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Lê Vinh Quang dường như còn dụng tâm khơi dậy lòng tự hào của người dân Đà Nẵng.
Cách nay 50 năm, Phú Hoàng từng là cái tên quen thuộc với không ít người dân Đà Nẵng. Hoàng là tên người anh ruột của Lê Vinh Quang, được cha ông ghép cho cơ sở sản xuất kinh doanh tổng hợp chuyên sản xuất nước đá, kem, bún, máy xay lúa... Anh trai ông Quang tham gia cách mạng và hy sinh ít ngày sau khi giải phóng đất nước. Buồn thương, cha ông hiến cơ sở kinh tế cho Nhà nước, chuyển về làm chủ nhiệm hợp tác xã cơ khí ở Hội An.
Tuy vậy, việc ông Quang chọn khởi nghiệp với Phú Hoàng không hẳn chỉ vì truyền thống gia đình. “Đi làm thuê dù có nhiều đóng góp, nhưng chỉ cần nảy sinh bất đồng, thậm chí hiểu lầm, mọi công sức của mình lập tức đổ sông đổ biển”, ông tâm sự.
Thực tế, trước khi khởi nghiệp, Lê Vinh Quang từng kinh qua nhiều vị trí quản lý ở những môi trường khác nhau, từ Phó Giám đốc Eximbank Đà Nẵng, Giám đốc Bán hàng Siemens khu vực miền Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh... Có lẽ, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình tham gia điều hành Mai Linh là một lý do khiến ông Quang lựa chọn taxi làm dịch vụ kinh doanh cốt lõi.
Chỉ tính riêng thị trường Đà Nẵng, trong năm 2014, Tiên Sa có gần 400 đầu xe, xấp xỉ một ngàn nhân viên. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nếu nhìn lại con số 30 đầu xe và 80 nhân viên năm 2009, thời điểm Phú Hoàng ra đời.
Ðâu là những yếu tố tạo nên sức bật của Tiên Sa, vốn không có nhiều lợi thế do đặc thù người đi sau? Đầu tiên là chính sách cạnh tranh. Phú Hoàng có giá cước thấp hơn đối thủ, không tính thêm phí khi xe dừng đèn đỏ hoặc chờ khách. Thêm vào đó, sự ủng hộ của khách hàng với Tiên Sa không đơn thuần vì Phú Hoàng là doanh nghiệp địa phương, mà còn xuất phát từ việc thương hiệu này cam kết trích 400 đồng doanh thu trên mỗi km để ủng hộ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và một số chương trình từ thiện khác.
Sự nhiệt tình của Lê Vinh Quang với nhiều hoạt động xã hội một phần vì anh là Phật tử. Trong vòng 100 ngày, anh từng phải chịu nỗi đau khi mất 2 người thân, rồi lại thất nghiệp trong khi vợ sắp sinh. “Vợ tôi khuyên nên kiếm việc gì đó làm tạm để có tiền sinh con”, ông nhắc lại giai đoạn khó khăn. Sự cộng hưởng của họa vô đơn chí đưa đường cho ông quy y cửa Phật, tìm một chỗ dựa tinh thần ở niềm tin tôn giáo.
Làm chủ không phải để giàu mà đem lại niềm vui cho chính mình và những người cùng gắn bó với mình bằng sự lớn mạnh của doanh nghiệp”, ông nhắc lại lời dặn của cha. Kết thúc năm 2014, doanh thu của Phú Hoàng ước tính khoảng 200 tỉ đồng (lái xe nhận 50% do họ chịu chi phí xăng dầu) nhưng lợi nhuận chỉ đạt 2 tỉ đồng.
Theo ông Quang, số lượng đầu xe tăng gần 13 lần trong vòng 5 năm đòi hỏi đầu tư rất lớn nên phải đánh đổi lợi nhuận trong ngắn hạn, chưa kể chi phí lãi vay. “Nếu vốn chủ sở hữu tăng lên khoảng 30% từ mức 15% hiện nay, lợi nhuận của Công ty có thể tăng 7-8 lần”, ông cho biết.
Hiện taxi Tiên Sa đang là đối tác chính khai thác nhiều điểm đậu xe “mơ ước” tại Đà Nẵng như Furama Resort, Novotel Premier River, Pullman Beach Resort, Big C, bệnh viện, sân bay...
... Đến “tự hào thương hiệu Việt Nam”
Sau 5 năm hình thành và phát triển, “chiếc áo” Đà Nẵng dường như bắt đầu trở nên chật chội. Kế hoạch đổi slogan thành “Tự hào thương hiệu Việt Nam” được gấp rút triển khai. Vượt khỏi ranh giới Đà thành, Phú Hoàng có mặt tại Hội An, Quảng Bình và sắp tới là Quảng Ngãi, Tam Kỳ (Quảng Nam), Gia Lai, Kon Tum (trước Tết Âm lịch). Mục tiêu tiếp theo là Cần Thơ, thủ phủ đồng bằng Sông Cửu Long.
Tằm ăn dâu là chiến lược mở rộng của Phú Hoàng. Đấy là bài học xương máu Lê Vinh Quang rút ra từ thất bại kinh doanh chuỗi cửa hàng điện thoại di động sau khi rời Tập đoàn Mai Linh. “Quản lý không theo kịp tốc độ phát triển. Chưa áp dụng hiệu quả bài học lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Đồ mất trộm khá nhiều”, ông nói về việc tập trung bành trướng chuỗi cửa hàng nhỏ mà đáng ra phải tập trung vào hậu mãi, đào sâu chất lượng dịch vụ...
Với các thị trường mới, Phú Hoàng vẫn áp dụng thống nhất chính sách tuyển dụng và quản lý giống Tiên Sa. Giữ màu xe, số điện thoại tổng đài (chỉ đổi đầu số theo địa phương). Với mỗi địa phương, ông Quang thành lập một công ty cổ phần và chiếm cổ phần chi phối. “Đây là cách giúp cho Tiên Sa có thể mở rộng thị phần sang các thị trường tiềm năng mà không mất nét đặc trưng vốn có”, ông nhận định. Tuy nhiên, vị doanh nhân này tỏ ra rất linh hoạt khi khai thác yếu tố địa phương, điển hình là nhãn hiệu taxi Vàng tại Huế với logo là biểu tượng Kinh thành Huế.
Đối tác của Lê Vinh Quang thường là những người bạn thân thiết, trong đó có những đồng môn tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - môi trường mà ông thừa nhận là thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Những kiến thức thu lượm từ chương trình giúp ông cải thiện năng lực đáng kể, thăng tiến nhanh lên các vị trí quản lý cấp cao từ một nhân viên bình thường, rộng đường thắng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.
Trong mỗi bước đi mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận, “vua” taxi Đà Nẵng tỏ ra rất thận trọng. “Mặc dù đã khảo sát và thấy các thị trường này rất tiềm năng, nhưng chúng tôi cũng không quá vội vàng đầu tư vào đây số lượng xe quá lớn ngay từ đầu”, ông Quang bộc bạch. Sở dĩ như vậy là Phú Hoàng cũng còn nhiều băn khoăn trước những biến động từ thể chế, chính sách.
Chẳng hạn, khi bắt đầu kinh doanh taxi thì ông Quang “không biết phí đường bộ là gì, nhưng đến năm 2013 phải chi khoản tiền rất lớn để nộp phí này”. Hay theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm dần từ năm 2014 và còn 0% vào năm 2018. Việc này khiến ông bối rối về xu hướng giá của ôtô sau 3 năm nữa, vì không biết Nhà nước có tăng thêm các loại phí để bổ sung nguồn thu ngân sách hay không? Nếu bây giờ mua quá nhiều xe, vài năm nữa xe hạ giá sẽ ảnh hưởng đến giá trị thanh lý. Nếu mua ít xe thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách hàng, và lỡ giá xe không giảm thì Công ty lại thiệt kép.
Ngoài việc tập trung phát triển taxi, Lê Vinh Quang còn có dự tính sẽ mở một số siêu thị mini và nhà hàng đặc sản tại Đà Nẵng, nhưng cũng “sẽ làm từng bước một, chứ không đầu tư tràn lan ngoài sự kiểm soát. Taxi vẫn là lĩnh vực trọng yếu của Công ty”. Liệu “vua” taxi Đà Nẵng có thể chiếm lĩnh thị phần ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian tới với chiến thuật đi từng bước chắc chắn hay không là điều mà nhiều người đang chờ xem.

Nguồn bài viết: Yume

Bài viết tương tự

Bài viết cùng chuyên mục

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT