1. Mua hàng ở chợ đầu mối
Khoản chi tiêu hàng ngày bạn cần phải quan tâm đầu tiên đó là tiền dành cho ăn uống. Để giảm chi phí bạn nên đến các chợ đầu mối. Giá cả các mặt hàng ở đây chênh lệch cũng đáng kể so với giá bán ở các chợ cóc gần nhà.
Tiếp đến, bạn và các thành viên trong gia đình nên hạn chế ăn uống ở bên ngoài. Bữa sáng hay ngày cuối tuần bạn hãy mua đồ về rồi tự nấu. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
2. Tự động trích lương vào tài khoản tiết kiệm
Đây là cách tốt nhất để bạn tiết kiệm. Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều có dịch vụ tự động trích một khoản tiền từ tài khoản chi tiêu của bạn để chuyển vào sổ tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao hơn. Sẽ rất thuận tiện nếu bạn mở sổ tiết kiệm ở chính ngân hàng bạn nhận lương hàng tháng. Nếu bạn có một mục tiêu tiết kiệm xác định, chẳng hạn trong 1 năm tới bạn cần 50 triệu đồng, bạn chỉ cần chia con số này cho 12 để xác định khoản trích hàng tháng.
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều có dịch vụ tự động trích một khoản tiền từ tài khoản chi tiêu của bạn để chuyển vào sổ tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, đừng đặt khoản trích quá cao so với thu nhập hàng tháng của bạn, số tiền trích lớn sẽ gây ảnh hưởng đến chi tiêu ngắn hạn của mình. Thông thường bạn chỉ nên trích tự động tối đa 20-25% thu nhập của mình, vì bạn sẽ còn nhiều cách tiết kiệm khác mà.
3. Bỏ “heo” hàng ngày
Bạn không nhất thiết phải đầu tư mua một con heo đất cũng chẳng cần lọ hay hộp đựng tiền mà chỉ cần một chiếc ví cũ hay một chiếc phong bì. Hãy tập cho mình thói quen, mỗi lần chi tiền để làm bất cứ việc gì đều bỏ vào "ngăn bí mật" này một số tiền nhỏ cố định (khoảng 10.000 hay 20.000 đồng cho mọi khoản chi lớn nhỏ). Đó là số tiền rất nhỏ và hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể, nhưng bạn thử tính xem, nếu mỗi ngày bạn đều chi tiền ít nhất 1 lần và chỉ bỏ heo 10.000 đồng /lần chi tiền thôi, 1 năm sau bạn đã có ít nhất 3,6 triệu đồng để có thể làm gì đó mình thích.
4. Hạn chế tối đa việc vay mượn
Nếu không phải là tình huống bất khả kháng, đừng vay mượn, đặc biệt là vay ngân hàng. Nếu bạn không phải là người giỏi tính toán và có thể xoay vòng tiền thành lợi nhuận, vay mượn đồng nghĩa với nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con.
5. Tham khảo trước khi mua sắm
Trước quyết định mua sắm một vật dụng gì đó có giá trị, bạn nên tham khảo trước các thông tin và cân nhắc thật kỹ xem đó có phải là vật bạn thật sự cần hay bạn mua chỉ đơn thuần là vì mình thích. Sau hãy tham khảo giá của hàng hóa đó trên mạng để có thể mua với giá hợp lý nhất.
6. Kiểm soát chi phí viễn thông
Hãy xem lại các hoá đơn viễn thông trong 6 tháng gần đây nhất và đánh giá lại nhu cầu thực tế của mình. Bạn có cần thuê cáp quang internet chỉ để lướt web (thậm chí xem phim HD trên mạng cũng không cần cáp quang)? Bạn có cần thuê gói truyền hình cáp hàng trăm kênh trong khi mấy ngày liền còn chả nhìn đến TV hoặc cùng lắm chỉ xem đi xem lại vài kênh (mà có cần thiết không vì giờ đây cũng đã có thể xem truyền hình trực tuyến rồi)? Bạn có cần gọi điện nhiều đến thế trong khi đã có email và chat? Và bạn có thực sự cần 3G để online tốc độ cao mọi lúc mọi nơi, hay chỉ để “check in” và khoe hình trên Facebook?
Rà soát lại hóa đơn sẽ giúp bạn cắt giảm được những khoản chi không cần thiết.
Hãy cắt giảm những dịch vụ viễn thông không thực sự cần thiết, hạ cấp các gói cước không dùng hết tính năng và tìm các giải pháp viễn thông kết hợp (như USB thu sóng wifi cho TV để xem phim online và có thể dẹp luôn phí truyền hình cáp mà cũng chẳng cần mua TV cao cấp có thể lên mạng internet). Sau khi tối ưu phí viễn thông, bạn sẽ thấy cuộc sống trong thời đại thông tin cũng không quá đắt đỏ như bạn vẫn nghĩ.
7. Tham gia “họ” cùng người thân hoặc đồng nghiệp
Nếu bạn có kế hoạch làm một việc gì đó và cần một số tiền lớn, bạn có thể tham gia chơi "họ" cùng những người thân hoặc đồng nghiệp. Bằng cách mỗi tháng trích ra một số tiền nhất định trong thu nhập để góp “họ”. Khi đến lượt, bạn sẽ lấy được một số tiền tương đối mà không cảm thấy “khổ sở” vì tiết kiệm mãi vẫn không đủ.