Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Thói hư tật xấu của người Việt: nhắm mắt bắt chước, ngại thay đổi, đổ tại trời

Được viết bởi webmaster ngày 15/04/2015 lúc 03:58 PM
Người nước chúng ta sự tính lợi hại xét hơn thua không rõ, cứ người sau thì làm theo những điều người trước hay làm.

Thói hư tật xấu của người Việt: nhắm mắt bắt chước, ngại thay đổi, đổ tại trời

1. Nhắm mắt bắt chước điều không hay của cổ nhân và ngại thay đổi
(Dương Dũ Thúc, báo Nông cổ mìn đàm, 1902)

Người nước chúng ta sự tính lợi hại xét hơn thua không rõ, cứ người sau thì làm theo những điều người trước hay làm. Bởi vậy cho nên cả nước giàu không đặng giàu nhiều, nghèo thì nghèo đến đỗi không áo không quần mà thay, rồi mỗi mỗi cứ đổ lỗi cho trời cho số, cho ngày sinh tháng đẻ. Cổ đạo (1) là những lẽ phải; có vua tôi, có cha con, có anh em, có vợ chồng, có bạn hữu; nếu người nay mà trái những điều đó mới mang tai(2). Chớ ví như đổi tục gian ra ngay, tục làm biếng ra siêng, đổi dối ra thiệt, tục nghịch ra thuận, tục ngu ra trí, tục hèn ra sang, tục dơ ra sạch, tục vụng ra khéo, tục trược(3) ra thanh, đổi như vậy thì là phải lắm.

Xin hãy coi gương người dị quốc (4), hoặc phương Đông phương Tây, phương Nam cùng phương Bắc, người ta thường hay đổi hay sửa, ít bắc chước những điều tệ của người trước; bởi vậy nay người ta thanh lịch lắm. Nếu mà cứ theo tục sai không đổi thì quả là khờ và bị thiệt hại.

(1) đạo lý cổ truyền
(2) chịu những điều khốn khổ, có hại
(3) trược tức là trọc, có nghĩa là đục, không trong sạch
(4) người các nước khác

2. Trí túc và Hiếu cổ
(Quốc dân độc bản – tài liệu do Đông Kinh Nghĩa Thục soạn, 1907)

Dân ta đại để bảo thủ mà không biết tiến thủ. Sở dĩ bảo thủ một là do trí túc, hai là do hiếu cổ (1). Thường thường cho rằng quê mùa chất phác là hay, lặng lẽ rút lui là cao thượng, không biết rằng như vậy là chỉ muốn ăn chơi lười biếng. Đó là tri túc làm trở ngại cho chí tiến thủ. Không biết rằng thế đạo (2) ngày một suy, mà lại than thở phong tục xưa không được phục hồi. Lòng hiếu cổ ấy trở ngại cho chí tiến thủ.

(1) Trí túc: biết thế nào là đủ; hiếu cổ; ưa thích những gì đã có từ xưa.
(2) đạo sống ở đời

3. Cái gì cũng đổ tại trời
(Quốc dân độc bản, 1907)

Thuyết mệnh trời làm cho dân ta bị trở ngại. Nước yếu không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói vận số không phải do người quyết định. Lụt lội hạn hán không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém mà lại nói thiên tai không phải do người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì nói con người sống chết có số, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! sao lại có cách nói tự hại mình đến thế?

Nguồn bài viết: Thể thao & văn hóa

Bài viết tương tự

Bài viết cùng chuyên mục

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT