Cấp bậc tác giả:

Thời Cuộc

Đi chùa ngày xuân: Nét đẹp văn hóa người Việt

Được viết bởi webmaster ngày 19/01/2014 lúc 03:19 PM
Đầu xuân đi chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Với nhiều người, đến chùa đầu năm không chỉ để cầu may mà còn tìm về chốn bình yên trong tâm hồn để mong cầu một năm bình an, hạnh phúc.

Đi chùa ngày xuân: Nét đẹp văn hóa người Việt

Đầu xuân đi chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Với nhiều người, đến chùa đầu năm không chỉ để cầu may mà còn tìm về chốn bình yên trong tâm hồn để mong cầu một năm bình an, hạnh phúc.

di-chua-dau-xuan.jpg
Khách thập phương thành kính nguyện cầu tại chùa Linh Ứng-Bãi Bụt.

Đa dạng điểm đến tâm linh ngày đầu xuân

Bao đời nay, ngoài việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, ý nghĩa của Tết Nguyên đán còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngày xuân đi lễ chùa là một hình ảnh rất tươi sáng, đẹp đẽ, “rất quê hương”. Và cuộc hành hương đầu năm mới của mọi người thường nhắm đến các ngôi chùa, đền, đình…

Tại Đà Nẵng, tuy là đô thị hiện đại, trẻ trung nhưng nơi đây lại sở hữu nhiều ngôi chùa đẹp nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Có thể kể đến các chùa: Linh Ứng, Tam Thai, Phổ Đà… Điều đặc biệt, do chữ “duyên” mà ở Đà Nẵng có đến ba ngôi chùa mang tên Linh Ứng và cả ba đều tọa lạc trên những vị thế đắc địa, tạo thành một tam giác linh thiêng trong lòng thành phố. Đó là Linh ứng Non Nước - nằm trên hòn Thủy của 1 trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn; là Linh Ứng - Bà Nà, nằm chót vót trên núi cao của khu du lịch cao cấp Bà Nà- Suối Mơ; là Linh ứng - Bãi Bụt nằm lưng chừng núi thuộc bán đảo Sơn Trà với tượng Quan âm linh thiêng.

Trong đó, Linh Ứng Tự - Bãi Bụt được xem là ngôi chùa lớn nhất thành phố cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật. Từ khi khánh thành đến nay, ngôi chùa này đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn của Đà Nẵng. Chị Hồ Thị Yên (sống tại phường 27, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên đến chùa Linh Ứng đã không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp “bồng lai tiên cảnh” của nơi đây. “Tôi là người con Đà Nẵng đi làm ăn xa. Bao năm rồi mới trở về đây, nghe người thân giới thiệu, tôi nhất quyết phải đi lên chùa này cho bằng được. Không ngờ ngay tại một thành phố hiện đại lại có một ngôi chùa với vẻ đẹp hùng vĩ như thế. Đến đây, tôi thấy lòng mình chùng lại, một cảm giác bình yên, êm đềm, đối nghịch hẳn với cuộc sống hối hả nơi xứ người”.

Ngoài Linh Ứng Tự - Bãi Bụt đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách, cả Linh Ứng Tự - Non Nước và Linh Ứng Tự - Bà Nà đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa riêng, rất thiêng liêng và lâu đời. Cả ba ngôi chùa Linh Ứng đều được xây dựng trên núi cao, vô cùng trang nghiêm. Những nét kiến trúc tinh tế của chùa làm cho không khí thiền môn thêm thanh tịnh, lòng người vãn cảnh chùa thêm thư thái.

Bên cạnh 3 ngôi chùa Linh Ứng trên, ở Đà Nẵng còn có các ngôi chùa với lịch sử lâu đời như chùa Tam Thai (thuộc khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn), chùa Pháp Lâm (tọa lạc tại số 500 đường Ông Ích Khiêm, phường Nam Dương, quận Hải Châu), chùa Phổ Đà (ở 340 đường Phan Châu Trinh, phường Bình Thuận, quận Hải Châu)...

Vào dịp Tết Nguyên đán truyền thống hằng năm, rất đông phật tử cũng như những người dân bình thường tập trung đến các chùa hành lễ, cúng Phật,... Và điều này đã trở thành một nét văn hóa đẹp, mang một ý nghĩa đặc biệt về tâm linh. Bất kể già, trẻ, gái trai đều chọn chùa là điểm đến đầu xuân với lời nguyện cầu một năm mới an khang, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Sẵn lòng đón khách thập phương

Với sức cuốn hút mạnh mẽ du khách như vậy nên những ngày cuối năm Quý Tỵ này, các ngôi chùa trên địa bàn thành phố đang tất bật sửa sang, làm mới để chuẩn bị cho việc đón khách đêm giao thừa và những ngày đầu xuân.

Thượng tọa Thích Thành Mãn, trụ trì chùa Tam Thai cho biết, đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến những ngày giáp Tết và trong Tết thì lượng khách đông hơn thường ngày. “Chúng tôi luôn có sự giúp đỡ của Ban Quản lý khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn về an ninh trật tự, nên nhà chùa chỉ lo quét dọn, trang trí cho khang trang hơn mà thôi”, Thượng tọa Thích Thành Mãn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày cuối năm, có rất nhiều phật tử cao tuổi thường đến chùa từ sớm để cùng nhà chùa sửa sang, dọn dẹp cho đẹp để đón những du khách đến viếng chùa đầu xuân. “Tôi là phật tử của chùa Nam Hải (quận Sơn Trà) nhiều năm rồi. Cứ đến giáp Tết là tôi cùng một vài người bạn nữa đến chùa để phụ giúp nhà chùa việc bếp núc, dọn dẹp, chăm sóc cây cối, nhằm đem lại cho bà con đến chùa cảm giác thư thái, an nhiên hơn”, bà Sáu (trú quận Sơn Trà) cho biết.

Còn tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, ngôi chùa có lượng khách tham quan ngày Tết đông đảo hơn cả thì việc chuẩn bị rất chu đáo. Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, trụ trì Linh Ứng Tự - Bãi Bụt cho biết: “Những năm gần đây, cứ đến Tết thì phía nhà chùa có yêu cầu bên Công an phường Thọ Quang hỗ trợ từ 5-6 chiến sĩ nhằm bảo đảm an ninh trật tự giúp nhà chùa trong những ngày Tết. Về phía nhà chùa thì sửa soạn hoa quả, hương đèn, làm mới lại cây cảnh trong sân chùa nhằm tạo không khí vui tươi ngày xuân. Còn nếu du khách có nhu cầu về thức ăn, nước uống thì nhà chùa có căn tin phục vụ”.

Qua bao đời, ngày xuân đi chùa vẫn luôn là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ của dân tộc ta. Đứng trước cửa chùa, mỗi người đều bỏ lại đằng sau bao muộn phiền, quên đi bao bộn bề, lo toan của một năm đã qua. Tất cả mọi sự nhốn nháo của đời thường dường như khép lại, nhường chỗ cho cảnh trí thiêng liêng cổ kính của thế giới tâm linh, để rồi bất cứ ai đến chùa đều ra về với một tâm hồn thư thái cùng những mong ước đầu năm tươi vui, hạnh phúc.

Nguồn bài viết: Báo Đà Nẵng

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT