Hiện nay đa số học viên, sinh viên còn khá mông lung khi nói về khái niệm “quản trị mạng” vì khái niệm về nghề này khá rộng và công việc cũng tùy vào nhu cầu từng công ty.
1. Công việc của Quản trị mạng
Học quản trị mạng cần thực hành nhiều
Người quản trị mạng (QTM) phải có khả năng tự thiết lập một mạng máy tính, cấu hình mạng, điều chỉnh hiệu năng hoạt động mạng máy tính, vận hành hệ thống mạng, giải quyết sự cố mạng và nắm được các phương pháp để bảo vệ mạng trước nguy cơ virus, worm, trojan, spam, cũng như các biện pháp chống xâm nhập, ăn cắp thông tin, phá hoại mạng.
Công việc cụ thể của từng chuyên viên QTM sẽ tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp. Thông thường, những doanh nghiệp ứng dụng CNTT quy mô lớn như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, các công ty về lĩnh vực thương mại điện tử cần tới một phòng QTM với số nhân viên lên tới vài chục, thậm chí là hàng trăm. Các doanh nghiệp quy mô vừa cần khoảng 4-5 người, các doanh nghiệp nhỏ cũng cần ít nhất một nhân viên chuyên phụ trách hệ thống mạng. Ở các công ty quy mô nhỏ, số lượng máy tính ít thì người QTM phải biết và làm đủ mọi thứ để duy trì hoạt động thông suốt của mạng, bao gồm cả việc theo dõi cập nhật nội dung của website đơn vị. Trong khi đó, nếu được làm tại các công ty với quy mô lớn, người làm QTM được phân công một công việc cụ thể như QTM chuyên về bảo mật, chuyên về thiết kế mạng hay chuyên về bộ phận theo dõi, giám sát, vận hành máy chủ.
QTM thường chỉ liên quan đến công việc kỹ thuật mạng và hiếm khi phải hỗ trợ trực tiếp người sử dụng. QTM thường là ở cấp 3 trong xử lý sự cố, tức là khi có sự cố xảy ra thì trước tiên sẽ được xử lý ở cấp 1 (helpdesk – giải đáp thắc mắc, tư vấn), cấp 2 (kỹ thuật viên về máy tính và mạng) rồi mới đến cấp 3 là cấp QTM. Tuy vậy, tại rất nhiều công ty ở Việt Nam hiện nay, thậm chí cả một số văn phòng nước ngoài, người QTM thường kiêm nhiệm tất cả các công việc này.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, QTM cho hệ thống máy tính của các nhà sách Tiền Phong tại Hà Nội, cho biết: “Thông thường các công ty nhỏ cỡ vài chục máy tính sẽ cần khoảng 2 – 3 nhân viên gọi là quản trị mạng nhưng thực chất là làm tất cả các công việc phát sinh như hỗ trợ người dùng, đề xuất và mua sắm trang thiết bị, đi dây và cài đặt mạng cho người dùng mới, xử lý các sự cố như đứt mạng, nghẽn mạng, quản lý băng thông, cấu hình tường lửa bảo vệ… Ở công ty lớn hơn thì phần lớn các công việc trên sẽ do các kỹ thuật viên phòng IT đảm nhiệm, quản trị mạng chỉ lo các phần liên quan đến băng thông và bảo mật mạng, quản lý máy chủ. Còn những công ty nhỏ hơn thì thậm chí cũng không cần đến quản trị mạng mà thuê ngoài, các sự cố nho nhỏ thì nhờ người rành công nghệ tự xử lý”.
2. Học gì để trở thành quản trị mạng
Đầu tiên là môn học sửa lỗi máy tính (PC Troubleshooting). Dù mong muốn trở thành một nhà QTM cao cấp, nhưng bạn sẽ không thể trả lời với mọi người rằng mình không biết sửa lỗi máy tính. Vì đến lỗi trên một chiếc máy tính cá nhân mà bạn không xử lý nổi, thì còn mong gì giải quyết các sự cố mạng. Trong môn học này, bạn sẽ được cung cấp đầy đủ các kiến thức về các thiết bị phần cứng như: Mainboard, CPU, RAM,…, cách xử lý các sự cố liên quan đến phần cứng. Ngoài ra, bạn còn được tìm hiểu thêm các phần mềm và công cụ sửa lỗi dành cho máy tính như: sao lưu và phục hồi dữ liệu, chẩn đoán các lỗi thường gặp của Windows… Hoàn tất khóa học này, bạn đủ khả năng tự đi chợ và ráp một máy tính theo ý mình, có thể chẩn đoán và khắc phục các sự cố thường gặp trên máy tính. Thời gian để hoàn tất khóa học này tứ 2 – 3 tháng với mức học phí khoảng 2.000.000đ.
Nghề quản trị mạng cần biết lắp ráp, chẩn đón , giải quyết sự cố máy tính
Kế tiếp, là phần nhập môn kiến thức mạng (Networking Essential). Có thể bạn đã từng sử dụng tốt hệ điều hành Windows Server thế nhưng còn rất nhiều kiến thức mạng rất căn bản bạn đã bỏ qua. Môn học này nhằm củng cố, tổng hợp và nâng cao các kiến thức căn bản về mạng như: cách đặt địa chỉ IP trong mạng, cấu hình kết nối và chia sẻ đường truyền Internet, cách đăng ký và sử dụng Internet Mail… Hoàn tất khóa học này, bạn có thể cài đặt, vận hành, bảo trì phòng Net, phòng Games, quán cà phê Wi-Fi… Thời gian để hoàn tất khóa học này từ 1-2 tháng với mức học phí khoảng 800.000đ – 1.000.000đ.
Nhưng phần công việc chủ chốt của người quản trị trong hệ thống mạng máy tính ở hầu hết các công ty hiện nay chính là hệ thống máy chủ Microsoft Windows. Vì thế các môn học phân thành hệ thống các chứng chỉ như MCSA, MCSE sẽ trợ giúp các bạn rất nhiều trong công việc. Sau khi hoàn tất các môn như: 70-680 (Quản trị hệ điều hành máy trạm Windows 7), 70-290 (Quản trị hệ điều hành máy chủ Windows Server 2003), 70-291 (Quản trị cơ sở hạ tầng mạng, mạng diện rộng), 70-351 (Cấu hình hệ thống tường lửa) và 70-236 (Quản trị hệ thống thư điện tử), bạn sẽ hoàn toàn có khả năng quản trị hệ thống mạng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và khi vượt qua được các kỳ thi ứng với các môn học trên, bạn sẽ đạt được chứng chỉ quốc tế Microsoft Certified System Administrator (MCSA) do Microsoft cấp có giá trị trên toàn thế giới. Thời gian để hoàn tất khóa học này từ 3-6 tháng với mức học phí khoảng 3.000.000đ – 3.500.000đ.
Nếu MCSA, MCSE chuyên về quản trị mạng trên nền Windows Server 2003 thì MCITP-SA, MCITP-EA sẽ giúp bạn cập nhật các kiến thức quản trị mạng trên nền Windows Server 2008 (hệ điều hành dành cho máy chủ mới nhất hiện nay của Microsoft). Chương trình MCITP-SA được chia thành từng môn như: 70-640 (Cấu hình và quản lý hệ thống Windows Server 2008), 70-642 (Cấu hình và khắc phục các sự cố xảy ra với các dịch vụ mạng trong Windows Server 2008) và 70-646 (Lập kế hoạch triển khai và quản trị hệ thống Windows Server 2008). Vượt qua mỗi kỳ thi tương ứng với từng môn học trên, bạn sẽ đạt được chứng chỉ quốc tế Microsoft Certified Technology Specialist và chứng chỉ Microsoft Certified IT Professional - Server Administrator. Thời gian để hoàn tất khóa học này từ 3-6 tháng với mức học phí khoảng 3.000.000đ – 4.000.000đ.
3. Nhu cầu cao – Lương khá
Hiện nay, hầu như công ty, doanh nghiệp nào cũng đều có máy tính nối mạng nội bộ và kết nối internet, chưa kể rất nhiều công ty có website riêng hoặc có tham gia bán hàng qua mạng trên các gian hàng trực tuyến. Do đó, nhu cầu tuyển dụng các nhân viên quản trị hệ thống mạng máy tính và kiêm nhiệm quản trị website khá lớn.
Tùy công ty, mức lương cho vị trí QTM có thể từ 200 – 700USD, thậm chí một số công ty nước ngoài còn trả tới trên 1.000USD. Theo thành viên mRrO trên ddth.com thì trong nghề QTM có nhiều ngạch nhỏ, như QTM chuyên lo bảo mật, chuyên thiết kế mạng, hoặc chuyên về các máy chủ, nên lương cũng trả tùy theo, nói chung lương quản trị bảo mật cao hơn một chút, trung bình vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, còn những người có khả năng làm luôn bảo mật, lo luôn cho server, quản lý được luôn NT/Samba Domain, thiết kế LAN-WAN thì lương rất cao.
Mặc dù vậy, không phải không có những người thất nghiệp sau khi học xong, lý do được một số chuyên viên QTM giải thích là: kiến thức về mạng rất rộng, trong khi đòi hỏi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đa năng, mỗi thứ một chút, nếu chỉ biết chuyên sâu một thứ thôi thì cũng khó tìm việc làm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, nghề này đòi hỏi phải thực hành nhiều, càng làm nhiều càng có kinh nghiệm thực tế trong xử lý sự cố, vì thế trong quá trình học, bạn phải thật nỗ lực để nắm chắc lý thuyết và cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thực hành.